Những dấu hiệu nhận biết suy giảm thính lực
Những dấu hiệu suy giảm thính lực dưới đây xảy ra ở mọi lứa tuổi, báo hiệu nguy cơ bị nghễnh ngãng và điếc nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời và thích hợp.
1. Ù tai
Thông thường, nghe kém thường gặp ở người cao tuổi, trên 35% những người bị mất thính lực rơi vào nhóm người từ 64 tuổi trở lên, trong đó hiện tượng thường gặp là ù tai. Ù tai là dấu hiệu sớm nhất của căn bệnh mất thính lực. Người bệnh nghe thấy âm thanh ù, tiếng ve kêu hoặc tiếng chuông trong tai. Theo năm tháng, sức khỏe suy giảm, tiếng ồn trong tai lại càng tăng, đây là dấu hiệu dây thần kinh trong tai bị tổn thương.
Theo các chuyên gia Khoa Tai mũi họng (ĐH Y khoa New York), khoa học chưa hiểu hết nguyên nhân gây ù tai nên hiệu quả chữa trị còn thấp. Việc sử dụng tai nghe nhạc quá to, đeo lâu ngày, nhất là ở giới trẻ là một trong những thủ phạm gây ù tai. Thính lực thậm chí có thể bị mất vĩnh viễn sau 8-15 phút nếu tiếp xúc âm thanh cực lớn, vượt trên ngưỡng âm lượng tối đa cho phép. Nếu bị ù tạm thời hoặc ù khi dừng nghe âm thanh là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tiếp xúc âm thanh quá lớn. Nên hạn chế dùng tai nghe nhạc quá to hoặc tiếp xúc với tiếng ồn, như tiếng ồn giao thông, tiếng ồn nơi sản xuất… bởi đây là những thủ phạm gây ảnh hưởng đến màng nhĩ.
2. Mất cân bằng cơ thể
Khi tự nhiên cơ thể mất cân bằng như vấp ngã, hay va chạm vào đồ vật, vụng về khi di chuyển… thì rất có thể đây là dấu hiệu của tình trạng suy giảm thính lực bởi não phải dành nhiều nỗ lực để nghe âm thanh nên việc duy trì cân bằng thể chất ít được quan tâm hơn. Nguyên nhân là ống tai trong của con người làm nhiệm vụ truyền gửi tín hiệu lên não để giúp cân bằng nhưng do việc tiếp nhận âm thanh kém, ống tai truyền gửi tín hiệu sai lệch nên não không làm đúng chức năng, gây “xô lệch” trong các hoạt động thể chất của con người.
3. Hay quên
Theo tiến sĩ Cherukuri, trưởng nhóm nhiên cứu ở ĐH Y khoa New York nơi có đề tài vừa được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine, có rất nhiều chức năng trong bộ nhớ của con người được dựa trên những gì mà con người nghe thấy. Nếu không nghe được thì trí nhớ sẽ bị hao hụt, phát sinh hiện tượng quên. Thường thì khi có tuổi, thính lực giảm sẽ kéo theo sự suy giảm tâm thần. Mất thính giác thường dẫn đến khó khăn trong giao tiếp vì không nghe được, rối loạn về tâm lý, trầm cảm, cảm giác bị cô lập, tính khí thất thường. Riêng ở trẻ em, hậu quả còn nặng nề hơn, ảnh hưởng tới học tập và tương lai của trẻ. Một yếu tố khác, khi sức nghe bị suy giảm, não phải chi ra nhiều năng lượng hơn để xử lý âm thanh để giúp bộ nhớ lưu giữ nhiều thông tin hơn và để cải thiện tư duy cho con người.
4. Tiếng ồn lớn gây đau đớn
Tiếng ồn lớn không chỉ gây khó chịu cho những người khỏe mạnh mà ở những người bị giảm thính lực còn cảm thấy khó chịu hơn, Ví dụ, như tiếng tàu hỏa, tiếng gầm ôtô, xe máy hay máy bay thường gây đau cho nhóm người nghễnh ngãng. Theo nghiên cứu, khi bị mất thính giác, tai con người không có khả năng “giảm âm”, thích ứng cho những tiếng ồn lớn, nên dễ bị tổn thương. Cơn đau này được khoa học ví như cảm giác đau âm ỉ, rất khó diễn tả.
5. Thường hay hỏi lại “cái gì ?”
Những người bị giảm thính lực, nghe kém thường đổ lỗi cho lý do ồn ào, do âm thanh quá nhỏ, do tác động môi trường xung quanh nên khó nghe và hay hỏi lại người đối thoại. Nếu một người thường hay hỏi lại “Cái gì?” thì rất có thể đó là dấu hiệu sớm của tình trạng mất thính lực mà người bệnh không hề hay biết mình đang mắc bệnh.
Làm gì khi bị giảm thính lực?
Để hạn chế sự tác động của âm thanh lên đôi tai, những người thường xuyên tiếp xúc tiếng ồn lớn nên có các thiết bị phòng hộ như dùng dụng cụ bịt tai, sử dụng vật liệu hấp thụ âm thanh như rèm cửa, thảm, cửa sổ chống ồn…, hạn chế dùng tai nghe nhạc âm thanh lớn, dài kỳ. Duy trì chế độ ăn uống đủ chất, ưu tiên các nhóm thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin D, hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; tránh chấn thương ở vùng đầu, tai. Ngoài ra, bạn không dùng dụng cụ lấy ráy tai sắc nhọn hoặc đưa vật lạ vào tai, hạn chế stress, áp dụng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh dùng các loại thuốc chữa bệnh có nguy cơ độc với thính giác như thuốc kháng sinh tetracycline, thuốc chống sốt rét…, nếu phải dùng nên tư vấn kỹ bác sĩ. Đối với người cao tuổi bị suy giảm thính lực do lão hóa, việc khuyếch đại âm thanh là giải pháp tốt nhất. Ngoài ra có thể đeo máy trợ thính, cấy điện cực đường xương (BAHA), cấy điện cực ốc tai và hệ thống hỗ trợ luyện nghe nói (FM)…
Nguyễn Khắc Nam
(Theo RD- 12/2015)
Ý kiến bạn đọc