Xét nghiệm HPV định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư vú. Tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 người mắc căn bệnh này và hơn một nửa trong số đó tử vong. Mặc dù là bệnh nguy hiểm nhưng với tiến bộ của nền y học hiện đại, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi nếu được tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Ung thư cổ tử cung là ung thư hình thành trong các mô cổ tử cung (cơ quan nối tử cung và âm đạo). Nguyên nhân chính của bệnh là do nhiễm virút Papilloma ở người (gọi tắt là HPV). Loại vi rút này lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. HPV có hơn 100 tuýp, trong đó có 4 tuýp có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Các tuýp HPV này tồn tại trong cổ tử cung, làm thay đổi các gen di truyền tạo nên các tế bào và dẫn đến chứng loạn sản (còn gọi là sự phát triển bất thường của các tế bào). Nếu không được điều trị kịp thời, chứng loạn sản này có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung. Mọi phụ nữ đã có quan hệ tình dục đều có khả năng mắc căn bệnh này; trong đó, đối tượng có nguy cơ cao là phụ nữ có nhiều bạn tình, phụ nữ tảo hôn, sinh đẻ, nạo hút thai nhiều lần…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Hân Hoan, Trưởng Khoa Xét nghiệm di truyền y học, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sở dĩ người ta nói ung thư cổ tử cung là “sát thủ thầm lặng” với phụ nữ vì phần lớn các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng, có thể phải mất nhiều năm để HPV gây bất thường ở các tế bào. Do đó, bệnh nhân thường chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn với các biểu hiện như: ra máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, đau bụng, đau khi đi tiểu, rỉ nước tiểu hoặc chất cặn từ âm đạo… Lúc này ung thư đã phát triển và khó điều trị.
Xét nghiệm HPV tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. |
Mặc dù ung thư cổ tử cung rất phổ biến và nguy hiểm ở phụ nữ nhưng nó có thể được phát hiện ngay khi chưa xuất hiện tế bào ung thư. Đặc điểm này không hề có ở các loại ung thư khác. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học hiện đại, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Từ tháng 1-2016, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã triển khai xét nghiệm HPV nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Đây là cơ sở y tế đầu tiên và duy nhất hiện nay ở khu vực Tây Nguyên triển khai hoạt động này, góp phần giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại ngay tại địa phương, hạn chế tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Thông thường trước đây, để tầm soát ung thư cổ tử cung, bệnh nhân được làm một xét nghiệm đơn giản gọi là PAP’s Smear nhằm phát hiện những thay đổi trên tế bào cổ tử cung. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Hân Hoan, trên thực tế, PAP’s Smear có thể bỏ sót từ 45% yếu tố nguy cơ. Do vậy, việc tái khám phải thực hiện nhiều lần hơn, khoảng từ 6 tháng đến 1 năm/1 lần. Xét nghiệm HPV có độ bao phủ rộng hơn có thể tìm ra sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao ngay cả khi chưa có những biến đổi trên tế bào cổ tử cung và cả trước khi ung thư phát triển. Do đó, nếu bệnh nhân có kết quả âm tính với HPV thì phải từ 3-5 năm sau mới cần tầm soát lại. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người bệnh mà còn hạn chế sự quá tải cho các cơ sở y tế, từ đó chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe sẽ tốt hơn.
Quy trình xét nghiệm HPV diễn ra đơn giản như một cuộc thăm khám phụ khoa thông thường. Đầu tiên, bệnh nhân được bác sĩ khám và lấy tế bào niêm mạc cổ tử cung để xét nghiệm. Kết quả sẽ được bác sĩ điều trị thông báo đến bệnh nhân trong vòng từ 2-3 ngày. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Trưởng Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) cho biết, nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với HPV thì sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện nhằm phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, không phải mọi trường hợp nhiễm HPV đều trở thành ung thư bởi thời gian từ khi xét nhiệm HPV cho kết quả dương tính đến khi trở thành ung thư có thể mất từ 10-15 năm. Do đó, phụ nữ từ 25 tuổi trở lên, đã có quan hệ tình dục được khuyến cáo nên tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV từ 3-5 năm/1 lần để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đồng thời, cần hình thành và duy trì lối sống lành mạnh, chung thủy trong tình yêu, tình dục, không hút thuốc lá, tiêm phòng vắcxin HPV đối với các em gái.
Thu Huế - Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc