Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc và điều trị tại nhà: Nâng cao chất lượng sống cho người nhiễm HIV/AIDS

07:05, 23/07/2016

HIV/AIDS là căn bệnh mãn tính, thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm trung bình 6 -10 năm tùy điều kiện sức khỏe và hành vi lối sống của mỗi người mà chuyển sang giai đoạn AIDS nhanh hay chậm.

HIV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm hôn, ăn uống chung, vì vậy người nhiễm HIV bị ốm vẫn có thể được chăm sóc tại nhà mà không lây cho người khác. Người thân đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS vì họ là những người dễ cảm thông nhất với người bệnh, qua đó người bệnh sẽ cảm thấy không bị kỳ thị, tinh thần thoải mái mới đồng nghĩa với cơ hội sống sẽ được tăng lên. Việc chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho các cơ sở y tế.

Tính đến ngày 15-6-2016, toàn tỉnh có 1.692 người nhiễm HIV còn sống, 964 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó có 473 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV tại các phòng khám ngoại trú. HIV/AIDS đã xuất hiện ở 162/184 xã, phường, thị trấn của 15/15 huyện, thị xã; tập trung nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Krông Năng, Ea Kar... Do nhiều bệnh nhân có nơi ở xa cơ sở điều trị, việc đi lại để được chăm sóc tại các cơ sở y tế rất khó khăn nên phần lớn bệnh nhân đều được điều trị ngoại trú, hằng tháng đến nhận thuốc, khám định kỳ và thực hiện chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của các y, bác sĩ.

   Khám định kỳ cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.
Khám định kỳ cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Theo các nhà chuyên môn, trong thời gian nhiễm HIV, việc khám sức khoẻ định kỳ, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị thuốc ARV của bệnh nhân hoàn toàn có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối điều trị, có chế độ sinh hoạt hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Để làm được điều đó cần có sự hỗ trợ của gia đình và người thân người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, khi chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà, người thân của bệnh nhân cần được trang bị các kiến thức cơ bản về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các kỹ năng chăm sóc cơ bản để tự bảo vệ mình và những người thân trong gia đình. Khi người bệnh có những tổn thương về da, người chăm sóc cần phải đeo găng tay, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể của người bệnh; các chất thải, rác thải có máu (giấy, bông, băng gạc, kim tiêm...) cần cho vào 2 lần túi nylon, buộc lại trước khi bỏ vào thùng rác mang đi đốt theo quy định xử lý chất thải của Bộ Y tế. Nếu lỡ bị dính máu, dịch tiết của bệnh nhân thì rửa sạch ngay bằng nước xà phòng, sau đó dùng cồn 70 độ sát trùng lại. Nếu người trong gia đình bị những vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV (như kim tiêm, dao cạo) làm bị thương, cần nặn ngay máu ra, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ; sau đó phải liên hệ ngay với các cơ sở điều trị để được hướng dẫn điều trị dự phòng. Đối với các đồ dùng cá nhân, quần áo, đồ vải dính máu người bệnh, phải được ngâm nước Javen 0,1-0,5% trong 30 phút rồi giặt lại bằng xà phòng; nếu dính các chất nôn, phân thì phải dội nước cho sạch trước khi ngâm Javen và giặt lại. Khi máu và chất tiết của người bệnh rơi vãi ra ngoài, dùng giấy hoặc vải hút nước lau sạch, sau đó lau bằng nước xà phòng rồi lau lại bằng nước Javen hoặc cồn 70 độ. Chăm sóc người thân nhiễm HIV/AIDS, các thành viên trong gia đình cần lưu ý: Bệnh nhân phải dùng riêng một số đồ dùng như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo, nạo lưỡi, đồ làm móng tay, kim tiêm... Cần cho bệnh nhân ăn uống đủ chất (thịt, cá, trứng, gan, đậu, rau củ, trái cây). Nếu người bệnh chán ăn, buồn nôn thì cho ăn từng ít một và chia thành nhiều bữa. Nếu bệnh nhân hay nôn, nên cho dùng thức ăn lỏng. Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, cần sử dụng thức ăn mềm, nghiền nát, tránh các loại gia vị, uống nhiều nước mỗi ngày.

Ngoài ra, khi chăm sóc người bệnh, người thân trong gia đình cần tỏ thái độ ân cần chăm sóc thương yêu người bệnh, không được tỏ ra thái độ kỳ thị phân biệt làm tổn thương người bệnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc điều trị cho bệnh nhân tại nhà.           

Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.