Multimedia Đọc Báo in

Đũa ăn dùng một lần tiềm ẩn nhiều nguy hại

10:45, 25/09/2016

Tại Việt Nam, loại đũa dùng một lần hiện được sử dụng rất nhiều trong các quán ăn, nhà hàng không chỉ vì giá thành quá rẻ mà còn bởi sự tiện lợi khi phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ quy chuẩn nào quy định về tính an toàn cho loại đũa dùng một lần nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Được chuộng vì rẻ và tiện

Tại TP. Buôn Ma Thuột, đũa dùng một lần được bày bán công khai, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Đặc biệt, loại đũa in hình quả táo không có nhãn mác được bày bán tràn ngập ở các chợ dân sinh. Tại chợ Buôn Ma Thuột, đũa dùng một lần đóng sẵn từ 5 - 10 kg/gói được bán với giá 30.000 - 60.000 đồng/gói. Những người bán hàng cho biết, đũa dùng một lần hiện được các quán ăn, nhà hàng, đám cưới… chuộng dùng vì vừa rẻ, vừa tiện, khỏi tốn công rửa lại dễ bảo quản, chỉ cần tránh nơi ẩm ướt là có thể để bao lâu cũng được, không lo bị mốc đen.

Bà Trần Thị Mười, chủ một quán cơm bình dân trên đường Y Wang (TP. Buôn Ma Thuột), trước đây thường sử dụng loại đũa gỗ, song nhiều thực khách đề nghị sử dụng đũa dùng một lần để bảo đảm vệ sinh. Mỗi ngày quán ăn của bà sử dụng hơn 200 đôi đũa dùng một lần, loại đũa này được mua tại chợ Ea Tam. “Từ ngày bán cơm tôi toàn sử dụng loại đũa này, tiện lợi vì không phải rửa, khách dùng xong là bỏ. Còn về mặt an toàn thì tôi chịu, làm sao biết được?”, bà Mười cho biết.

Đũa ăn dùng một lần tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Đũa ăn dùng một lần tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Có thể thấy, trên bao bì hầu hết các loại đũa dùng một lần đều không ghi thông tin địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách sử dụng, bảo quản… Quan sát bằng mắt thường thì dễ nhận thấy đũa dùng một lần có độ trắng, mềm, dễ bẻ, nhanh lên nấm mốc, các đôi đũa không đều nhau, cong vênh. Chính các tiểu thương bán đũa cũng không chắc chắn về độ an toàn của loại đũa này, cho rằng nhìn bằng mắt thấy sạch sẽ là được. Song, với giá thành quá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì liệu rằng loại đũa này có an toàn cho người sử dụng?

Tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe

Theo các chuyên gia, loại đũa dùng một lần được làm từ loại tre có chất lượng không tốt như tre non, tre tồn dư, khả năng chịu ẩm mốc rất kém nên việc bảo quản rất khó khăn. Nếu dùng cách sấy khô bằng nhiệt thì chi phí cao, tốn thời gian mà tuổi thọ của loại đũa này không được lâu nên nhiều cơ sở sản xuất đã dùng đến hóa chất để làm sạch, chống nấm mốc.

Ở Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với loại đũa dùng một lần, có chăng chỉ chung chung như không bẩn, không nhiễm khuẩn. Trên thực tế, những tiêu chuẩn ấy chưa thể giúp nhận biết chính xác độ an toàn của sản phẩm. Tuổi thọ của các đôi đũa dùng một lần kể từ khi sản xuất là 4 tháng nên Bộ Y tế luôn khuyến cáo người dân khi sử dụng đều phải chú ý thời gian và cần thay đũa mới trước khi những đôi đũa này hết hạn. Mặt khác, loại đũa này chỉ dùng một lần rồi bỏ, nếu tái sử dụng sẽ có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Biện pháp đơn giản có thể nhận diện đũa ăn dùng một lần được bảo quản bằng hóa chất là: Khi bóc lớp nylon bên ngoài đũa ra, ngửi thấy mùi hăng hắc rất khó chịu thì không nên sử dụng. Đũa là dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thức ăn qua đường miệng, hóa chất tồn dư trên đũa có thể gây nhiễm độc cho người sử dụng. Nếu có nhu cầu sử dụng đũa dùng một lần, nên chọn loại đũa màu trắng ngà, không đốm đen, bao bì bảo quản không rách thủng, ghi đầy đủ các thông tin và nên mua một tuần trước khi dùng ở những địa chỉ đã được giám sát về chất lượng.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng như ngành y tế, quản lý thị trường cần tăng cường lấy mẫu đũa dùng một lần bán trên thị trường để kiểm tra, giám định về chất lượng sản phẩm đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh.

Vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An bất ngờ kiểm tra tại cơ sở sản xuất đũa tre sử dụng một lần của ông Cao Anh Khoa có địa chỉ tại bản Cây Me, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã phát hiện hàng nghìn đôi đũa tre đang được ngâm với lưu huỳnh và tẩy trắng bằng thứ bột lạ. Tổ công tác còn phát hiện và thu giữ hơn 9,1 tấn hóa chất lạ đựng trong các bao bì có chữ Trung Quốc dùng để xử lý đũa. Đáng nói, cơ sở này đã hoạt động 3 năm nay và cung cấp sản phẩm cho thị trường các tỉnh, các thành phố lớn nhưng không hề bị phát hiện.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.