Cách phòng ngừa và xử trí khi trẻ em bị đuối nước
Đuối nước là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với trẻ em. Đuối nước có thể xảy ra với trẻ nhỏ ở bất cứ nơi nào có nước như ao, hồ, sông, suối, giếng nước, hố công trình xây dựng, đường phố ngập lụt ngày mưa…; thậm chí ngay cả những vật chứa nước nhỏ như bể cá cảnh, xô nước, bồn cầu, bồn tắm, chum, vại cũng có thể gây đuối nước cho trẻ.
Để phòng ngừa cũng như xử trí được tình huống khi trẻ nhỏ bị đuối nước, các bậc cha mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
1. Cần lấp kín các hố công trình, rãnh nước sau khi sử dụng. Làm nắp đậy chắc chắn an toàn cho giếng, bể nước, chum, vại. Không được lơ là trong việc trông giữ trẻ, đặc biệt ở khu vực có ao, hồ, sông, suối… Bên cạnh đó, chúng ta nên quan tâm bố trí thời gian hợp lý, tạo điều kiện để trẻ có thể học bơi.
2. Nhắc nhở trẻ nhỏ những điều sau:
- Không chơi đùa gần sông, hồ, ao, mương, hố nước… và những nơi có biển báo nguy hiểm.
- Không được tắm, nghịch nước khi chưa được sự đồng ý của bố mẹ.
- Không được tắm sông, nhảy cầu.
- Không nhảy cắm đầu hoặc bơi thi ở những nơi không có chỉ dẫn.
- Không nhảy xuống nước khi vừa đi ngoài nắng về hoặc khi có nhiều mồ hôi trên người.
- Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
- Phải mặc áo phao khi tham gia các loại hình giao thông đường thủy.
- Nếu thấy bạn chẳng may bị ngã xuống nước, không tự ý nhảy xuống cứu bạn, lập tức gọi người lớn để được cứu giúp. Trong trường hợp người bị ngã xuống nước gần bờ thì có thể cứu lên bằng cách đưa cành cây hoặc sợi dây để cho người bị nạn nắm lấy sau đó kéo lên (chú ý phải chắc chắn không để bị kéo xuống nước).
- Khi thấy có dấu hiệu bị đuối nước, ngay lập tức phải: Kêu cứu thật to; bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người. Chú ý tránh chỗ xoáy, chỗ sâu và tìm những vật có thể bám vào để không bị chìm.
3. Cách xử trí khi trẻ nhỏ bị đuối nước:
Nhanh chóng đưa trẻ lên khỏi mặt nước, kê cao đầu, kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách đẩy đầu trẻ về phía sau, nâng cằm lên cho hai hàm răng gần như chạm nhau, quan sát và lắng nghe hơi thở của trẻ.
Nếu trẻ vẫn tỉnh, chỉ lo sợ hoảng hốt thì phải an ủi trẻ, đặt trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng một bên giúp nước, dịch thoát ra nhanh chóng (tư thế an toàn), kiểm tra và moi hết dị vật trong miệng và đường thở của trẻ.
Nếu trẻ bất tỉnh, thở yếu hoặc đã ngưng thở, lập tức sơ cứu như sau:
- Bịt mũi nạn nhân, dùng miệng thổi hơi thật mạnh cho đến khi lồng ngực nạn nhân phồng lên.
- Quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt nơi lồng ngực xương ức của nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân rồi từ từ buông ra làm theo chu kỳ khoảng 15 giây. Ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần, sau mỗi 4 chu kỳ đều kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân 1 lần.
- Sau khi trẻ tỉnh lại, cần giữ ấm cho trẻ và đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất.
Trần Tuấn Thanh
(Cảnh sát PCCC)
Ý kiến bạn đọc