Multimedia Đọc Báo in

"Địa chỉ đỏ" chốn biên cương

12:01, 29/11/2016

Những năm qua, Bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 (Quân khu 5) luôn là “địa chỉ đỏ” được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân của cả Việt Nam và Campuchia khu vực giáp biên gửi gắm niềm tin mỗi khi đau ốm.

Đại úy, bác sĩ Phùng Bá Cường, Chủ nhiệm Quân y kiêm Bệnh xá trưởng cho biết: “Đoàn 737 đứng chân trên địa bàn hai xã biên giới Ia R’vê và Ya Lốp (huyện Ea Súp), vì thế Bệnh xá cũng chia thành khu A và khu B, các khu đều có biên chế bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Bệnh viện Đa khoa huyện cách đây 50 km, đường lại xấu, đi nhanh cũng mất 3 giờ mới đến nơi nên mỗi khi có bệnh, mọi người thường nghĩ đến Bệnh xá đầu tiên. Các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, rắn, côn trùng cắn, bỏng, dị ứng hay tự tử bằng thuốc diệt cỏ ở đây rất phổ biến”.

Bệnh xá thu hút bệnh nhân còn bởi các y bác sĩ ở đây giỏi tay nghề và rất nhiệt tình, tận tâm cứu chữa người bệnh. Như đêm giao thừa Tết vừa rồi, có 3 thanh niên bị tai nạn giao thông được người dân chuyển đến cấp cứu, cả 3 người đều bị gãy xương và chấn thương đầu nên sau khi vệ sinh, băng bó sơ cứu, Bệnh xá nhanh chóng chuyển các bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa huyện cấp cứu. Xe cứu thương về lại đơn vị lúc gà vừa gáy sáng, bữa cơm đêm giao thừa chưa kịp ăn được các y bác sĩ hâm nóng lại mừng xuân mới. Đứng chân nơi biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên chuyện y, bác sĩ Bệnh xá tự bỏ tiền túi chi trả xăng xe, chi phí điều trị cho người dân chẳng phải là chuyện hiếm ở đây.

Các y, bác sĩ Bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 đang thăm khám cho một  bệnh nhi.
Các y, bác sĩ Bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 đang thăm khám cho một bệnh nhi.

Mới đây nhất, đêm 22-11-2016, bà Phạm Thị Bé (75 tuổi, thôn 10, xã Ia R’vê) bị tê cứng chân tay, được hàng xóm chở đến bệnh xá. Qua thăm khám, Thượng úy Y sĩ Nguyễn Thanh Chuẩn phát hiện bà bị tăng huyết áp kịch phát, lên tới 220/120. Sau hai ngày điều trị, sức khỏe bà Bé dần ổn định, song thấy bà tuổi cao sức yếu, họ hàng từ Bến Tre chưa lên kịp, các thầy thuốc động viên bà ở lại để được chăm sóc tốt hơn. Hằng ngày ngoài việc thăm khám, cấp thuốc, Bệnh xá còn lo cơm nước miễn phí cho bà. Cách đây không lâu, khi lái xe chở keo vào thôn 1 (xã Ia R’vê), anh Võ Thái Nguyên (28 tuổi, ở Khánh Hòa) không may bị điện giật bất tỉnh. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sau phút hội ý chớp nhoáng, các y bác sĩ Bệnh xá cho anh thở ôxy, tiêm thuốc chống sốc, trợ tim, bù nước điện giải rồi chuyển lên tuyến trên kịp thời. Ngày xuất viện, anh Nguyên cùng vợ vượt hàng trăm cây số từ Buôn Ma Thuột vào thăm và cảm ơn các thầy thuốc mang áo lính. Hay như ông Nguyễn Văn Tốt (67 tuổi, thôn 9, xã Ia R’vê) một lần buồn chuyện gia đình nên nghĩ quẩn cầm chai thuốc diệt cỏ mía uống cạn, may nhờ các y, bác sĩ kịp thời cứu chữa mà ông được cứu sống. Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, ông Tốt đều cảm kích: “Các bác sĩ rất tận tình, chu đáo. Tôi nằm viện gần một tuần, lần nào xuống thăm khám, các cô chú cũng ân cần, đến bữa còn bưng cơm đến tận phòng cho ăn. Các y bác sĩ còn khuyên giải tôi biết trân trọng cuộc sống”.

Thực hiện tốt công tác chính sách, hằng năm Bệnh xá đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người nghèo, gia đình chính sách, nhiều trường hợp già yếu được bộ đội đến tận nhà thăm khám.

Mỗi năm, Bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 còn tiếp nhận và điều trị hàng chục bệnh nhân là cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân nước bạn Campuchia sang điều trị. Đợt tháng 6 vừa qua, anh Buôn Thái (35 tuổi, Đồn phó Đồn biên phòng Ô Rô, Campuchia) bị viêm phổi trong khi bệnh viện cách xa hàng trăm cây số đường rừng, bí quá anh phải nhờ bộ đội Việt Nam giúp đỡ. Năm ngày điều trị tại Bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 737, chứng kiến sự tận tình chu đáo của các thầy thuốc, anh rất xúc động. Hai tháng sau, khi anh Chăm Sau Nai (chiến sĩ đồn Ô Rô) bị tụt huyết áp sau khi ốm dài ngày, Đồn phó Buôn Thái liền giới thiệu Chăm Sau Nai sang Bệnh xá vì rất tin tưởng tay nghề bộ đội Việt Nam.

Đều đặn hằng tháng, bệnh xá đều biên soạn tài liệu tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, thu âm, phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ của xã. Khi dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng trên địa bàn, các anh đến từng nhà phun thuốc, tẩm màn, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, bọ gậy. Đại tá Ngô Minh Điền, Chính ủy Đoàn 737 nhận xét: “Bệnh xá như chiếc cầu nối, góp phần cùng đơn vị xây dựng, củng cố mối quan hệ quân dân, mối quan hệ tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nước bạn. Vừa qua, Bệnh xá được cấp trên quan tâm, đầu tư trang bị thêm một số máy X-quang, xét nghiệm hiện đại, đây thực sự là tin vui với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn”. 

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc