Những điều cần biết khi nuôi con bằng sữa mẹ
Theo thống kê gần đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời hiện chỉ đạt 19,6%. Điều này đã khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều bà mẹ chưa nắm vững các kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ và thực hiện cho trẻ bú đúng cách.
Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu Nhi- Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, đối với trẻ mới sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quý giá. Trong sữa mẹ còn có nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ sẽ được bảo vệ khỏi một số bệnh nhiễm trùng thường gặp như: viêm tai giữa; tiêu chảy; nhiễm trùng hô hấp và hen suyễn; béo phì, tiểu đường, hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Đối với bà mẹ, việc cho trẻ bú ngay sau sinh không chỉ giúp tử cung của mẹ co hồi tốt mà giúp mẹ ngăn ngừa các bệnh như ung thư vú, ung thư buồng trứng. Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh giúp mẹ chậm có kinh nguyệt trở lại làm hạn chế khả năng thụ thai. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn bó tình cảm mẹ và con, rất thuận tiện và tiết kiệm trong việc nuôi dưỡng trẻ.
Do đó, sau khi sinh nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt để tận dụng nguồn sữa non rất giàu dinh dưỡng và chất tiệt khuẩn.
Một số lưu ý khi nuôi con bằng sữa mẹ:
- Trước khi cho trẻ bú, nên lau đầu vú bằng nước sạch, vắt bỏ giọt sữa đầu.
- Mỗi lần chỉ nên cho bú một bên.
- Nếu trẻ bú không hết sữa, nên vắt bỏ lượng sữa thừa. Thời gian đầu nên cho trẻ bú cả trong đêm.
- Trẻ bú mẹ tốt khi cằm chạm vú mẹ, miệng mở rộng, môi dưới đưa ra ngoài, quầng vú còn lại phía trên nhiều hơn phía dưới.
- Tư thế bú mẹ đúng: đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng, mặt trẻ đối diện với vú mẹ và miệng trẻ đối diện với núm vú, thân trẻ nằm sát thân mẹ, mẹ đỡ toàn bộ thân trẻ.
- Nếu trẻ bị ọc sữa, có thể hạn chế bằng cách vác đứng trẻ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng.
- Nên cho trẻ bú thường xuyên, càng lâu và càng nhiều lần càng tốt mỗi khi trẻ có nhu cầu.
Bà mẹ cho con bú nên biết cách giữ gìn sức khỏe. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng. Cần bổ sung thêm canxi. Tránh hút thuốc, uống rượu và hạn chế cà phê.
Để trẻ vẫn được bú mẹ trong thời gian mẹ đi làm, có thể vắt sữa mẹ và lưu trữ trong bình sữa bằng nhựa hoặc thủy tinh, bảo quản trong tủ lạnh. Làm ấm sữa khi cho trẻ uống bằng cách đặt bình sữa vào chén nước ấm hoặc dưới vòi nước ấm để làm ấm đến nhiệt độ phòng.
Khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và bú nhiều hơn bình thường.
Nên cho trẻ bú kéo dài 24 tháng hoặc có thể lâu hơn.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn cũng lưu ý thêm: Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, bà mẹ nên ăn uống nhiều loại thức ăn, ngoài 3 bữa chính nên ăn thêm 2- 3 bữa phụ. Nên ăn các thực phẩm giàu vitamin A như thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua, rau xanh, trái cây có màu vàng cam. Sữa mẹ sẽ tạo ra nhiều và chất lượng sữa tốt nếu mẹ ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem. Có thể dùng đu đủ hoặc đậu đen nấu với chân giò heo để tăng tạo sữa. Đặc biệt, yếu tố tâm lý vô cùng quan trọng, vì vậy, phụ nữ sau sinh luôn phải giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu để luôn đủ sữa cho bé bú.
Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc