Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh viêm họng hạt tái phát

10:24, 18/12/2016

Viêm họng hạt là một thể bệnh của viêm họng mạn tính, do tình trạng viêm họng kéo dài dẫn đến sự phát triển quá độ của các tổ chức lympho ở thành sau họng tạo nên các hạt. Các hạt này rất dễ bị kích thích bởi các tác nhân, như: khói bụi, thuốc lá, nước lạnh…. khiến người bệnh thường xuyên ho, ngứa rát họng, khạc đờm nhiều kèm phản xạ ho.

Viêm họng hạt không phải là bệnh nan y nhưng khó điều trị dứt điểm bởi chỉ cần thời tiết thay đổi, sức đề kháng cơ thể yếu, cơ thể bị nhiễm lạnh, hít phải khói, bụi… là bệnh lại tái phát. Tuy nhiên, nếu người bệnh hiểu rõ được cách phòng tránh và tuân thủ các phương pháp điều trị một cách nghiêm túc có thể giúp tình trạng họng ổn định, tránh tái phát và viêm nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Viêm họng hạt thường không có triệu chứng điển hình, không sốt như viêm họng thông thường nên nhiều bệnh nhân chủ quan không đến các cơ sở y tế sớm để khám và điều trị khiến bệnh hay tái phát, lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho niêm mạc họng thường xuyên bị tổn thương, người bệnh luôn cảm thấy ngứa rát, sưng đau, ho khan hoặc ho có đờm, khạc nhổ nhiều gây mất vệ sinh, đau đớn khi ăn uống, nói chuyện khiến người bệnh e ngại, mất tự tin khi giao tiếp với người đối diện, chất lượng công việc giảm sút. Lâu dần điều trị tốn kém nhưng hiệu quả không cao; thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm, như: viêm cầu thận, viêm khớp hoặc viêm màng ngoài tim…”.

Có nhiều nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi làm cho viêm họng hạt dễ tái phát hoặc nặng thêm, như: bệnh nhân bị viêm mũi, viêm xoang làm cho các chất nhầy, mủ từ các bộ phận này chảy xuống phía sau thành họng hoặc người bệnh hít phải các chất độc hại, bụi bẩn, khói thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ra, một số người mắc các bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh dị ứng cũng có thể làm cho viêm họng hạt nặng lên và dễ tái phát, khó điều trị dứt điểm.

Nhiều bệnh nhân bị viêm họng hạt thường đến các cơ sở y tế để đốt hạt bằng hóa chất hay đốt điện. Theo các bác sĩ, việc đốt hạt không thể chữa dứt điểm viêm họng hạt mà bệnh sẽ tái phát lại ngay thậm chí để lại sẹo, sơ trong vòm họng, gây loạn cảm họng, khó chịu về sau. Để điều trị hiệu quả viêm họng hạt và tránh tái phát, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của các y, bác sĩ; đồng thời người bệnh hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dễ gây tổn thương cho niêm mạc họng, như: khói bụi, nước đá, rượu bia…; mùa hè tránh bật điều hòa ở nhiệt độ thấp quá lâu; mùa đông cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng họng; uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn cay nóng; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung các loại nước uống giàu vitamin C như: cam, quýt, nước chanh…; thường xuyên vệ sinh miệng, họng bằng nước muối sinh lý; đặc biệt với những người mắc các bệnh lý viêm mũi, viêm xoang, viêm miệng, viêm tai cần điều trị triệt để tránh dịch chứa vi khuẩn, vi rút, nấm chảy xuống làm họng bị viêm liên tục…

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.