Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Suê (huyện Cư M'gar): Bệnh sốt xuất huyết giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại

10:06, 06/12/2016

Trong thời gian qua, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, số người mắc bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang ở mức cao do nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này…

Từ đầu năm 2016 đến nay, xã Cư Suê đã ghi nhận 5 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn với 64 trường hợp mắc bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong. Bệnh xuất hiện ở 100% thôn, buôn trên địa bàn xã, tập trung chủ yếu tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những tháng cuối năm, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm. Từ đầu tháng 11 đến nay, toàn xã chỉ ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết mới, tức là bình quân gần 3,6 ngày mới có 1 trường hợp mắc bệnh, giảm mạnh so với những tháng trước đây.

Tuy vậy, trong lần kiểm tra mới đây của đoàn công tác UBND tỉnh cho thấy, nhiều thôn, buôn dù thường xuyên được địa phương thực hiện tổng vệ sinh môi trường và có tổ xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy) hoạt động nhưng chỉ số lăng quăng (bọ gậy) phát hiện được vẫn ở mức cao. Cụ thể, đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 7 hộ ở buôn Sút M’rư (đây là điểm “nóng” của xã Cư Suê về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết với 19 trường hợp mắc bệnh, chiếm tỷ lệ gần 30% tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn xã) và phát hiện người dân còn chủ quan, chưa tự giác diệt lăng quăng (bọ gậy). Có gần 60% số hộ trong buôn phát hiện có nhiều vật dụng phế thải như: chai, lọ và lốp xe… đọng nước, phát hiện thấy lăng quăng (bọ gậy) và muỗi. Phát hiện này cho thấy khả năng bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết là điều không tránh khỏi nếu địa phương không có các biện pháp phòng, chống bệnh quyết liệt.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xã Cư Suê xử lý lăng quăng (bọ gây).
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xã Cư Suê xử lý lăng quăng (bọ gây).

Được biết, trong thời gian qua xã Cư Suê đã đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; trong đó, chú trọng tuyên truyền về nguyên nhân, cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh nhằm nâng cao ý thức, sự hiểu biết của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, từ nhận thức chuyển sang hành động vẫn còn khoảng cách khá xa, nhiều người dân vẫn quen tích trữ nước trong các lu, thùng phuy và bể nước mà không có nắp đậy để muỗi sinh sản, quanh nhà vẫn còn nhiều vật phế thải chứa nước đọng không được xử lý nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng (bọ gậy) phát triển.

Từ đầu năm 2016 đến nay, xã Cư Suê đã tổ chức được 3 đợt tổng vệ sinh môi trường; các tổ xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các thôn, buôn đã kiểm tra được 1.035/2.338 hộ gia đình, qua đó phát hiện 285 hộ có lăng quăng (bọ gậy) trong 620/4.244 dụng cụ chứa nước...

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc