Multimedia Đọc Báo in

Liên tiếp ghi nhận các trường hợp uốn ván sơ sinh do mẹ không tiêm vắc xin phòng bệnh

18:36, 17/02/2017

Chỉ chưa đầy 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp ghi nhận 3 trường hợp uốn ván sơ sinh, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong và một trường hợp đang ở trong tình trạng nguy kịch. 

Trường hợp uốn ván sơ sinh đầu tiên trong năm 2017 được ghi nhận là bé trai sinh ngày 31-12-2016, ở buôn Dung, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, vào điều trị tại cơ sở y tế ngày 5-1 với chẩn đoán uốn ván rốn ủ bệnh 5 ngày, nhiễm trùng huyết sơ sinh và tử vong vào ngày 11-1. Trường hợp thứ 2 là bé trai sinh ngày 15-12-2016, ở Buôn Rung, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Bé được gia đình đưa vào viện ngày 22-12-2016 và được chẩn đoán uốn ván ủ bệnh 7 ngày. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh diễn biến nặng, cháu bé đã tử vong ngày 1-2-2017. Mới đây nhất là trường hợp bé trai sinh ngày 2-2-2017, ở buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông. Khi được 6 ngày tuổi, cháu bé xuất hiện các triệu chứng bỏ bú, sốt cao liên tục và lên cơn cơ giật, được người nhà đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, cháu bé được chẩn đoán uốn ván ủ bệnh 6 ngày và hiện đang được điều trị tích cực. Cả 3 trường hợp uốn ván sơ sinh nói trên đều là con của gia đình dân tộc thiểu số, được sinh tại nhà do mụ vườn đỡ, cắt rốn bằng kéo và dao lam, đặc biệt, các bà mẹ của trẻ trước đó đều không tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván.

Bé trai
Bé trai ở Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm gần đây, mỗi năm khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận điều trị khoảng 10 trường hợp trẻ bị nhiễm trùng uốn ván sơ sinh. Khoảng 50% trong số đó đến bệnh viện khi bệnh quá nặng, không thể cứu chữa, những trường hợp điều trị thành công phải nằm viện từ 30-50 ngày.

Các chuyên gia y tế nhận định, uốn ván sơ sinh là một bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách các bà mẹ thực hiện tiêm phòng uốn ván sơ sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít các bà mẹ, nhất là phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn chủ quan, xem nhẹ việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh uốn ván khi mang thai. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, thời gian qua mặc dù công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, thực hiện việc sinh đẻ tại các cơ sở y tế để phòng uốn ván sơ sinh cho trẻ vẫn được duy trì thực hiện, song hiện có khoảng 10% phụ nữ trên địa bàn tỉnh không tiêm phòng uốn ván trong độ tuổi sinh sản và sinh đẻ tại nhà, nương rẫy trong điều kiện dễ bị nhiễm trùng uốn ván. Phần lớn các trường hợp này là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. 

Rõ ràng, để hạn chế các trường hợp mắc và tử vong do uốn ván ở trẻ sơ sinh, ngành chức năng cần phải tăng cường công tác truyền thông, vận động phụ nữ trong độ tuổi mang thai đi tiêm phòng vắc xin uốn ván.

Lịch tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) theo hướng dẫn số 4095/BYT-BM-TE ngày 4/7/2016 của Bộ Y tế:

- Mũi 1: Tiêm sớm ngay khi phát hiện có thai; hoặc tiêm cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tại vùng có nguy cơ cao
- Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng và trước khi đẻ 1 tháng
- Mũi 3: Tiêm cách mũi 2  ít nhất 6 tháng; hoặc khi có thai lần tiếp theo
- Mũi 4: Tiêm cách mũi 3  ít nhất 1 năm; hoặc khi có thai lần tiếp theo
- Mũi 5: Tiêm cách mũi 4  ít nhất 1 năm; hoặc khi có thai lần tiếp theo.
- Đối với một số trường hợp không tuân theo đúng lịch tiêm chủng nêu trên hoặc có thai nhiều lần, việc tiêm vắc xin uốn ván được thực hiện: nếu khoảng thời gian giữa các liều tiêm bị chậm, vượt quá khoảng thời gian theo lịch tiêm chủng thì tiêm mũi tiếp theo mà không cần tiêm lại từ đầu
- Đối với trường hợp đã tiêm đủ 5 mũi vắc xin uốn ván theo đúng lịch, sẽ tạo miễn dịch bảo vệ trong thời gian từ 25-30 năm.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc