Tiêm chủng và một số lưu ý khi cho trẻ tiêm chủng
Trẻ em khi sinh ra đến lúc 5 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu nên dễ mắc phải nhiều căn bệnh truyền nhiễm. Không ít trong số những căn bệnh này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi mắc bệnh nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, tiêm chủng là cách tốt nhất giúp trẻ giảm khả năng mắc bệnh.
Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta được Bộ Y tế triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố từ năm 1985 nhằm tiêm một số loại vắc xin miễn phí cho các đối tượng trẻ em từ 0 đến 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-35 tuổi). Hiện nay có 10 loại vắc xin được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib, Sởi – Rubella, viêm não Nhật Bản B. Ngoài ra ở một số vùng có nguy cơ cao còn được sử dụng vắc xin phòng thương hàn và tả.
Tại Đắk Lắk, mỗi năm có khoảng hơn 600.000 mũi tiêm được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nhiều năm nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ luôn đạt từ 90% trở lên.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) |
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, tất cả trẻ em khi sinh ra cần được tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ, có một số trường hợp chống chỉ định tiêm chủng hoặc hoãn tiêm, gồm: trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng, sốt cao trên 39°C kèm co giật, tím tái, khó thở; trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan...), suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV; trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng; trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B); trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày; trẻ có cân nặng dưới 2000g…
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí lưu ý, đối với trường hợp đặc biệt như bị chó dại cắn thì dù trẻ thuộc diện hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm vẫn bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại ngay và cần được theo dõi bởi các cơ sở y tế đủ điều kiện. Còn trong các trường hợp như trẻ bị tiêu chảy, ho, cảm lạnh mà không sốt; trẻ sinh non, suy dinh dưỡng; trẻ bị dị ứng trước đó nhưng không có dấu hiệu điển hình… thì phụ huynh vẫn cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.
Tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể giúp trẻ tạo đề kháng. Vì vậy, mỗi cơ thể sẽ có những phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau. Hầu hết chỉ có phản ứng nhẹ với các triệu chứng như sưng đau chỗ tiêm, sốt nhẹ dưới 38,50C, mệt mỏi, đau cơ, rối loạn tiêu hoá. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí cho biết, đây là những phản ứng thông thường và sẽ tự hết sau từ 1-2 ngày. Để cải thiện tình trạng này, các bậc phụ huynh nên cho trẻ nhỏ bú nhiều hơn hoặc uống nước nhiều hơn. Đồng thời, trước và sau khi tiêm có thể cho trẻ ăn bánh, kẹo ngọt để tạo cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng cho trẻ. Một số ít trường hợp trẻ có các phản ứng nặng trong vòng 30 phút hoặc 24 giờ đầu sau tiêm với các dấu hiệu: sốt cao trên 390C, co giật, khóc kéo dài, tím tái, khó thở, sốc phản vệ… phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Kim Oanh - Thu Huế
Ý kiến bạn đọc