Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào khám chữa bệnh

08:50, 10/03/2017

Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Krông Bông đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu vào công tác khám và điều trị cho người bệnh, mang lại nhiều kết quả khả quan, từng bước trở thành đơn vị dẫn đầu các bệnh viện hạng III của tỉnh.

Đến BVĐK huyện Krông Bông những ngày này vẫn được nghe các bệnh nhân kể cho nhau câu chuyện về một sản phụ bị vỡ thai ngoài tử cung được các bác sĩ cứu sống dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua như một câu chuyện đẹp về tấm lòng của người thầy thuốc với bệnh nhân. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Phú Đức, Trưởng khoa Ngoại Sản, BVĐK huyện Krông Bông cho biết, sáng 23-1, khoa tiếp nhận bệnh nhân H’Dem Êban (SN 1990, ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm huyện Krông Bông) trong tình trạng choáng nặng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, đau bụng dưới nhiều, sắc mặt xanh tái nhợt nhạt…. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán choáng mất máu/thai ngoài tử cung vỡ. Trong khi đó, bệnh nhân lại có nhóm máu AB – một trong những nhóm máu hiếm, bệnh viện không sẵn có. Nhận thấy bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch, không thể chuyển viện, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn toàn viện và quyết định mổ cấp cứu gấp để cứu bệnh nhân. Sau gần 1 tiếng đồng hồ vừa phẫu thuật vừa hồi sức, kẹp cắt khối thai ngoài tử cung, khâu phục hồi đoạn bóng vòi trứng phải cộng với phương pháp truyền máu hoàn hồi (khoảng 2 lít máu), ca mổ đã thành công, bệnh nhân được cứu sống.

Kéo cột sống, một trong những kỹ thuật mới đã được triển khai ở BVĐK huyện Krông Bông.
Kéo cột sống, một trong những kỹ thuật mới đã được triển khai ở BVĐK huyện Krông Bông.

Bệnh nhân H’Dem chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch được các y bác sĩ BVĐK huyện Krông Bông cứu sống thông qua các dịch vụ kỹ thuật đã và đang được triển khai tại bệnh viện. Là một trong những bệnh viện tuyến huyện đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong khám chữa bệnh của tỉnh, thời gian qua, BVĐK huyện Krông Bông đã có những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua đào tạo trình độ chuyên khoa sâu cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc hiện đại, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào điều trị. Theo bác sĩ Trần Ngọc Minh, Giám đốc bệnh viện, hằng năm bệnh viện thường xuyên cử cán bộ đi học tập, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật khó từ bệnh viện tuyến trên. Đến nay trong tổng số 104 cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện, gần 35% có trình độ đại học và trên đại học.

Cùng với sự đầu tư về nhân lực, bệnh viện còn tận dụng tốt các nguồn đầu tư từ ngân sách, các chương trình, dự án hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Nhờ vậy, thời gian gần đây bệnh viện đã đưa nhiều trang thiết bị mới vào lắp đặt như: máy chụp X-quang cao tần, máy siêu âm màu, máy xét nghiệm sinh hóa tự động và bán tự động, máy điện giải 5 thông số,  máy điện tim 12 kênh, dao mổ điện đa chức năng, máy tháo lồng ruột bằng hơi có cột thủy ngân, máy thở oxy khí trời, máy điện não… Với các trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề, bệnh viện đã thực hiện tất cả các kỹ thuật chuyên môn theo phân cấp và nhiều kỹ thuật vượt tuyến.

Có thể thấy, việc ứng dụng kỹ thuật mới, chuyên sâu vào khám chữa bệnh tại BVĐK huyện Krông Bông thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn, cứu sống kịp thời nhiều ca bệnh nguy kịch, đồng thời, giảm đáng kể số người bệnh phải chuyển tuyến và tỷ lệ tử vong. Chỉ tính riêng năm 2016, bệnh viện đã khám chữa bệnh cho trên 76.000 lượt người, điều trị nội trú cho gần 7.000 lượt người, phẫu thuật từ loại 3 trở lên được 1.538 lần, công suất sử dụng giường bệnh đạt 92%, tỉ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm hơn so với những năm trước. Những thành tựu bước đầu của bệnh viện không chỉ tạo được sự tin cậy mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo ít có cơ hội được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế cao. Bệnh nhân Đinh Thị Thanh Huệ (thôn 5, xã Hòa Phong) phấn khởi: “Bệnh viện thực hiện được nhiều kỹ thuật cao giúp người bệnh chúng tôi được điều trị ngay tại địa phương, không phải chuyển viện, đồng nghĩa là giảm được chi phí đi lại, người nhà đi chăm bệnh cũng thuận lợi hơn”.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.