Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3:

Mặc cảm của người bệnh là cái khó trong điều trị lao

17:19, 23/03/2017

Những năm qua, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh nói riêng và ngành Y tế tỉnh nói chung đã có nhiều nỗ lực nhằm khống chế, kiểm soát, ngăn chặn bệnh lao. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Để rõ hơn về công tác này, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ CKI NGUYỄN KIM MỸ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ
Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ

* Bác sĩ có thể khái quát đôi nét về công tác phòng chống lao của tỉnh hiện nay?

Chương trình phòng chống lao của tỉnh là một trong những mạng lưới của Chương trình phòng chống lao quốc gia và chính thức hoạt động từ năm 1996. Mạng lưới phòng chống lao của tỉnh hiện được bao phủ từ tuyến tỉnh đến tận xã, phường, thị trấn với mỗi huyện có một tổ phòng chống lao và mỗi trạm y tế có một cán bộ chuyên trách về phòng chống lao. Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bệnh lao thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, đến nay hầu hết người dân đã hiểu về bệnh lao.

Mỗi năm Chương trình chống lao của tỉnh đã phát hiện từ 800 đến 1.100 bệnh nhân lao, đưa vào chẩn đoán, điều trị và qua đó đã điều trị khỏi trên 85% bệnh nhân lao phổi dương tính, đạt mục tiêu Chương trình phòng chống lao quốc gia đề ra. Đây là mục tiêu quan trọng nhất mà Chương trình phòng chống lao quốc gia đưa ra cho các tỉnh, bởi khi chúng ta điều trị khỏi với tỷ lệ cao thì sẽ cắt được nguồn lây cho cộng đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã tích cực triển khai nhiều chương trình phòng chống lao, trong đó có chương trình lao trẻ em, lao kháng thuốc, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

 * Những khó khăn mà Chương trình phòng chống lao của tỉnh đang phải đối mặt là gì, thưa bác sĩ?

Nói đến Chương trình phòng chống lao thì khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là mặc cảm của người dân. Bệnh lao là một bệnh mãn tính, song nhiều người dân lại xem nó là bệnh di truyền, là cái gì đó mang tính đạo đức, do ăn ở thất đức nên mới mắc bệnh, thậm chí, một số đồng bào dân tộc thiểu số còn quan niệm bệnh lao do ma quỷ tạo thành... Vì thế, nhiều người khi có các triệu chứng của bệnh thì dấu diếm, không đi khám bệnh sớm để phát hiện điều trị. Nhiều trường hợp, khi được phát hiện mắc bệnh đã chấp nhận điều trị, nhưng trong quá trình điều trị, họ có khó khăn về kinh tế, đi lại hạn chế, cộng với tác động yếu tố tâm lý từ bên ngoài, mặc cảm, tự ti rồi bỏ trị, dẫn đến quá trình điều trị không đạt hiệu quả. Khó khăn thứ hai là kinh phí chi cho điều trị lao, truyền thông lao còn rất hạn chế. Trên thực tế, mỗi năm tỉnh ta phát hiện cả nghìn bệnh nhân mới, nhưng đầu tư hằng năm cũng chỉ có 400-500 triệu đồng cho tất cả các hoạt động, từ truyền thông đến vấn đề điều trị, rồi giám sát ở cơ sở…

Khó khăn cuối cùng tôi muốn nói đến ở đây là nguồn nhân lực. Chúng tôi vẫn thường nói vui, bệnh nhân lao thì trẻ dần nhưng bác sĩ lao lại già đi, bởi trong số các y bác sĩ ra trường hằng năm, chẳng ai muốn vào làm ở chuyên ngành lao vì ai cũng biết đây là môi trường làm việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao. Chính vì vậy, nếu Nhà nước không có định hướng, hay những ưu đãi hấp dẫn thì đội ngũ làm công tác phòng chống lao sẽ mai một dần.

aaa
Một bệnh nhân lao đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

* Công tác điều trị bệnh nhân lao có rất nhiều vất vả và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là điều trị lao đa kháng thuốc, vậy ngành Y tế và bệnh viện có chế độ ưu đãi như thế nào đối với đội ngũ làm công việc này, thưa bác sĩ?

Hiện nay những người trực tiếp làm công tác xét nghiệm,khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân lao như chúng tôi đang được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi là 70% mức lương theo quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng có chế độ ưu đãi thu hút khoảng 500.000 đồng/tháng đối với mỗi bác sĩ và dược sĩ đại học công tác ở chuyên ngành lao. Song chế độ này lại không được áp dụng đối với các đối tượng khác như cử nhân, điều dưỡng, hộ lý… Chính điều này khiến nhiều anh em cảm thấy thiệt thòi, bởi cùng làm việc trong một môi trường dễ lây nhiễm như nhau, công việc cũng vất vả như nhau, nhưng có người được hưởng, người khác lại không được. Nhìn chung, toàn cảnh trong chuyên ngành lao thì tôi thấy những ưu đãi này chưa thực tương xứng và chưa thể là điều kiện để “giữ chân” những thầy thuốc dám hy sinh, phục vụ lâu dài trong môi trường này.

* Bác sĩ có thể chia sẻ một vài định hướng trong công tác quản lý, điều trị bệnh lao của tỉnh thời gian tới?

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu sẽ thanh toán bệnh lao ở Việt Nam. Trên cơ sở này, tỉnh cũng đã có xây dựng kế hoạch hoạt động của công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn. Theo đó, mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới là nâng cao hiệu quả phát hiện bệnh nhân lao nói chung và lao đa kháng thuốc nói riêng, quản lý chặt chẽ trong hệ thống điều trị, duy trì khỏi trên 85% để cắt nguồn lây cho cộng đồng. Hiện tại, với điều trị bệnh lao thường, tỉnh ta đã đạt trên 85%, nhưng lao đa kháng thuốc thì chưa đạt được. Cụ thể, trong số 18 bệnh nhân lao đa kháng thuốc phát hiện năm 2015, đến nay mới có 9 bệnh nhân hoàn thành điều trị.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)



 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.