Chuyện về những thầy thuốc điều trị bệnh lao
Nhắc tới bệnh lao - căn bệnh đã có thời bị coi là một trong “tứ chứng nan y”, không ít người vẫn e dè, ngần ngại khi phải tiếp xúc với người bệnh. Thế nhưng, ngày ngày các y bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh vẫn một lòng gắn bó với công việc khám bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân lao…
Bệnh lao là bệnh do vi trùng gây ra, dễ lây lan qua hô hấp, người tiếp xúc gần rất dễ hít phải vi trùng lao khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Với các y bác sĩ trực tiếp làm công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân lao, nguy cơ mắc bệnh lao là khó tránh khỏi. Trên thực tế, đã có nhiều nhân viên y tế từng nhiễm vi trùng lao từ bệnh nhân, thậm chí còn nhiễm phải lao kháng đa thuốc, nguy cơ tử vong cao. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn kiên trì bám trụ chuyên ngành lao với tâm niệm “nếu ai cũng sợ thì lấy đâu ra người cứu chữa cho bệnh nhân lao”. Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, người đã có đóng góp không nhỏ đưa Bệnh viện ngày càng phát triển để bệnh nhân được điều trị một cách hiệu quả nhất, đội ngũ y bác sĩ được làm việc trong môi trường thuận lợi. Những năm qua, ông đã cùng các đồng nghiệp xây dựng, duy trì ổn định và hiệu quả mạng lưới phòng chống lao trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân lao mới phát hiện trong cộng đồng mỗi năm đều tăng, tỷ lệ bệnh nhân lao trên địa bàn được điều trị khỏi luôn đạt chỉ tiêu của Chương trình phòng chống lao quốc gia đề ra (trên 85%). Thế nhưng, khi nói về mình, ông chỉ bộc bạch: “Khi lựa chọn gắn bó với bệnh lao, tôi cũng vấp phải sự phản đối từ gia đình và bạn bè, nhưng rồi thấy mình quyết tâm thì mọi người cũng không còn ý kiến nữa, dần dần ngấm ngầm chuyển sang ủng hộ. Cái nghề gắn với cái nghiệp, có lẽ vì vậy mà tôi đã chọn công việc này suốt hơn 30 năm qua”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bê, Trưởng khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh thăm khám cho người bệnh điều trị tại khoa. |
Hơn 20 năm công tác trong ngành lao, bác sĩ Nguyễn Thị Bê, Trưởng khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi, áp lực bởi công việc, thế nhưng, khi nghĩ tới những bệnh nhân lao phải chịu biết bao khổ sở vì bệnh tật đeo bám, chị lại quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, kiên trì bám trụ với công việc này. Bác sĩ Bê chia sẻ: “Có lẽ những khó khăn mà y bác sĩ chúng tôi gặp phải như làm việc trong môi trường độc hại, áp lực chuyên môn nặng nề… cũng chưa thể sánh với nỗi đau bệnh nhân lao, đang gánh chịu. Làm việc ở đây, chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp người nhà bỏ hẳn người thân mắc bệnh lao trong bệnh viện, mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều phải nhờ nhân viên bệnh viện. Vì thế, chúng tôi luôn động viên lẫn nhau nỗ lực vượt khó, gắn bó với công việc để giúp người bệnh vượt lên bệnh tật”.
Khó khăn, gian khổ nhất với bác sĩ điều trị lao không chỉ là nguy cơ lây nhiễm bệnh cao mà còn là áp lực công việc căng thẳng, bởi bệnh lao là bệnh phải quản lý điều trị lâu dài. Bác sĩ Y Quốc Ayun, công tác tại khoa Nội 3 - khoa điều trị cho những bệnh nhân lao kháng đa thuốc cho biết, hiện nay, phác đồ điều trị lao đa kháng thuốc thường kéo dài từ 18-24 tháng. Trong thời gian này, ngày nào bệnh nhân cũng phải sử dụng rất nhiều thuốc với nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nếu bỏ dở điều trị thì bệnh sẽ chuyển biến xấu, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao. Chính vì thế, các y bác sĩ trong khoa phải thường xuyên theo dõi, động viên bệnh nhân để họ không bỏ điều trị. Bác sĩ Y Quốc cho biết: “Đến thời điểm này, bệnh viện đang điều trị 42 trường hợp lao kháng đa thuốc. Điều trị bệnh lao thường đã có nguy cơ lây nhiễm cao thì với lao kháng đa thuốc còn nguy cơ gấp bội phần. Nếu chỉ suy xét thiệt hơn chắc chẳng ai chọn công việc nguy hiểm này mà chúng tôi gắn bó với người bệnh bằng trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc”.
Khoác trên mình chiếc blouse trắng, với đôi mắt dõi theo những biểu hiện của bệnh nhân, đôi tai nghe thấu những bộc bạch của người bệnh, để trụ lại với nghề, những y bác sĩ của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh đã phải vượt qua rất nhiều rào cản. Khó khăn còn nhiều lắm, nhưng điều mà họ mong muốn, trăn trở là làm thế nào nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lao hơn nữa, để họ cảm thông, không xa lánh người bệnh, giảm bớt sự kỳ thị người mắc bệnh lao, được như vậy thì công tác phát hiện, điều trị bệnh cũng sẽ có thêm nhiều thuận lợi.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc