Multimedia Đọc Báo in

Lợi ích từ thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh

08:53, 30/05/2017

Việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS) đã giúp rất nhiều gia đình ở huyện Ea Kar phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, sinh ra những đứa con khỏe mạnh về thể chất, trí tuệ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số của địa phương…

Khi mang thai con thứ 2 được 12 tuần tuổi, chị Nguyễn Thị Liên (31 tuổi, ở thôn 13, xã Ea Ô) đã đến kiểm tra sức khỏe thai kỳ và sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột). Sau khi siêu âm đo độ mờ da gáy và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ dự đoán thai nhi có nguy cơ bị hội chứng down và giới thiệu chị Liên lên bệnh viện tuyến trên để kiểm tra lại. Sau đó, chị Liên tiếp tục đến Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện biện pháp sàng lọc trước sinh. Nhờ can thiệp sớm, con chị Liên sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.

Nữ hộ sinh khoa Ngoại sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh để sàng lọc.
Nữ hộ sinh khoa Ngoại sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh để sàng lọc.

Thông qua tuyên truyền vận động của Ban Dân số xã, nhận thức của người dân xã Ea Ô về thực hiện SLTS&SS ngày càng nâng lên, tỷ lệ phụ nữ mang thai trên địa bàn thực hiện sàng lọc ngày một nhiều hơn. Theo chị Hoàng Thị Hân, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Ô, ngoài thời gian tư vấn cố định vào ngày 11 hằng tháng, Ban Dân số xã còn lồng ghép tuyên truyền về SLTS&SS và cấp phát tờ rơi cho người dân tìm hiểu thêm về lợi ích của chương trình trong các buổi sinh hoạt phụ nữ, sinh hoạt đoàn thanh niên, họp thôn. Qua đó, người dân trên địa bàn biết đến chương trình ngày một đông. Hiện khoảng 90% phụ nữ mang thai trong xã đã chủ động tham gia SLTS, còn tỷ lệ trẻ sơ sinh của xã được sàng lọc thì hạn chế hơn.

Không chỉ có xã Ea Ô, năm 2012, Đề án SLTS&SS đã được Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar triển khai đến 16 xã, thị trấn trên địa bàn. Để thực hiện Đề án có hiệu quả, ngoài việc tích cực phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện chương trình đúng quy trình, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hoạt động thiết thực: cấp phát tờ rơi, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép tuyên truyền trong sinh hoạt của đoàn thể, truyền thông nhóm cho phụ nữ có thai, sản phụ về lợi ích của việc thực hiện SLTS&SS nhằm phát hiện can thiệp sớm dị tật, bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, cách thức thực hiện sàng lọc…

Theo các chuyên gia y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra, nếu được SLTS&SS tốt sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị thalassememia (tan máu bẩm sinh) thể nặng, 1.400 trẻ bị bệnh down, 140 trẻ bị hội chứng edwards... 

Bà Lã Thị Lựu, chuyên viên phụ trách Đề án của Trung tâm cho biết: SLTS&SS là biện pháp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh tật, tử vong trẻ sơ sinh. Thời gian đầu, người dân tiếp nhận vẫn còn nhiều dè dặt và e ngại, bởi một số người xót con, xót cháu khi thấy trẻ phải lấy máu gót chân khi vừa chào đời nên không cho thực hiện. Tuy nhiên, quá trình truyền thông sâu rộng đã giúp người dân thay đổi nhận thức và tham gia ngày một nhiều hơn. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn huyện đã có khoảng 300 ca sàng lọc trước sinh, 150 ca sàng lọc sơ sinh.

Để Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng đi sâu vào đời sống nhân dân và đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân; tổ chức tập huấn về kỹ năng, kiến thức tuyên truyền sàng lọc cho cán bộ dân số; theo dõi, nắm bắt các thông tin về các bà mẹ mang thai để kịp thời tư vấn, hướng dẫn; thực hiện tốt các chương trình sàng lọc (cả miễn phí và tiếp thị xã hội) cho các đối tượng…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.