TP. Buôn Ma Thuột nỗ lực kiểm soát bệnh sốt xuất huyết
Là địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết (SXH) của tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, bệnh SXH trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, đặc biệt số ca bệnh SXH trong tháng 4 có chiều hướng giảm hơn so với những tháng đầu năm.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, tính đến ngày 3-5, toàn thành phố ghi nhận 148 trường hợp mắc SXH, chiếm 30% trong tổng số ca bệnh của toàn tỉnh, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Bệnh xuất hiện rải rác tại 20/21 xã, phường, trong đó tập trung nhiều ở các phường Tân Lợi, Tự An, Tân Lập và xã Cư Êbur.
Bác sĩ CKI Đặng Văn Sơn, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, nhận định tình hình bệnh SXH năm nay vẫn còn tăng so với năm trước, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng chống SXH và triển khai các hoạt động phòng chống SXH, trong đó chú trọng phát hiện, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh và tăng cường giám sát công tác phòng bệnh tại các địa bàn đã phát hiện người bị bệnh, xử lý ổ dịch; huy động sự vào cuộc của cộng đồng, tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh SXH đến người dân trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng và qua các tài liệu tuyên truyền như sách báo, tờ rơi, tờ gấp… Đồng thời thành lập các tổ diệt lăng quăng ở từng tổ dân phố với thành phần gồm tổ trưởng tổ dân phố, y tế thôn buôn và các tổ trưởng tổ liên gia đến từng hộ gia đình tham gia cùng người dân diệt lăng quăng và hướng dẫn bà con cách thức xử lý các dụng cụ chứa nước, dự trữ nước sinh hoạt.
Cán bộ Trạm Y tế phường Thành Nhất hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh SXH. |
Nhìn nhận tại một khu dân cư thuộc tổ dân phố 4, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) cho thấy, thông qua hoạt động tuyên truyền của cán bộ y tế và đội ngũ cộng tác viên y tế, hầu hết các hộ dân trên địa bàn đã nắm được kiến thức về phòng chống bệnh SXH và chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa phòng bệnh SXH. Bà Trần Thị Hoa (ở tổ liên gia 40, tổ dân phố 4, phường Thành Nhất chia sẻ: “Nhà tôi ở gần trạm y tế nên thường xuyên được cán bộ trạm hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh SXH. Hằng ngày, gia đình tôi luôn chú ý dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ các dụng cụ phế thải, lật úp các xô, chậu để tránh ứ đọng nước, tạo môi trường cho lăng quăng gây bệnh SXH phát triển”. Theo y sĩ Nguyễn Thị Nhu, quyền Trưởng trạm Y tế phường Thành Nhất, việc các hộ dân trên địa bàn tích cực biến những kiến thức về phòng chống dịch bệnh SXH họ tiếp thu được thành hành động cụ thể và thực hiện thường xuyên cho thấy công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh đã mang lại hiệu quả. Đây là cơ sở để trạm tiếp tục duy trì và phát huy các biện pháp truyền thông nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh nói chung cũng như bệnh SXH nói riêng.
Để công tác phòng chống SXH ngày càng hiệu quả hơn, thời gian tới, ngành Y tế thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và UBND thành phố về công tác phòng chống, dịch bệnh SXH; chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng; tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh, chống dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra trong cộng đồng. Bác sĩ Đặng Văn Sơn cho biết thêm, Trung tâm Y tế thành phố đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đa khoa thành phố và trạm y tế các xã, phường chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh SXH; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, chỉ đạo cộng tác viên y tế thường xuyên đến tận nhà dân để tuyên truyền, nâng cao ý thức và hướng dẫn người dân cách loại trừ nơi sinh sản của muỗi như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, đậy kín các lu, thạp chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá ăn lăng quăng; cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày…
Toàn tỉnh đã có gần 500 ca bệnh sốt xuất huyết Tính đến ngày 3-5, toàn tỉnh có 489 ca bệnh SXH và được ghi nhận ở tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột (chiếm trên 30% tổng số ca bệnh của toàn tỉnh). Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, so với cùng kỳ năm 2016, bệnh SXH trên địa bàn tuy có giảm nhưng không đáng kể (giảm khoảng 10 ca bệnh). Nếu công tác phòng chống không được thực hiện kiên quyết ngay từ đầu mùa mưa sẽ dễ dẫn đến tình trạng dịch bệnh tiếp tục bùng phát như năm trước. Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã triển khai quyết liệt các hoạt động: giám sát, xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch nhỏ để dịch bệnh không bùng phát và lan rộng; huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong phòng chống SXH; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh… |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc