Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thị người nhiễm HIV: Rào cản trong công tác phòng chống HIV/AIDS

06:34, 13/08/2017

Dù đã trải qua hơn 20 năm phòng, chống HIV/AIDS với rất nhiều nỗ lực song căn bệnh này vẫn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối nhất tại Việt Nam.

Trong đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS đang tiếp tục cản trở những hoạt động phòng, chống HIV; khiến những nhóm người dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.

Kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn làm cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng. Do e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử, những người có nguy cơ nhiễm HIV sẽ lẩn tránh việc xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan căn bệnh này sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng. Đối với những người đã biết mình bị nhiễm HIV, do e ngại tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử còn tồn tại ở nhiều cơ sở y tế, trong cộng đồng, họ thường không dám tiết lộ tình trạng nhiễm của bản thân với vợ, chồng hay gia đình và bạn bè thân thiết; từ đó dẫn đến trì hoãn việc điều trị HIV cho đến khi cơ thể có các triệu chứng của các nhiễm trùng cơ hội mới đến cơ sở y tế. Thực tế tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, có rất nhiều trường hợp nhiễm HIV đến điều trị muộn với các nhiễm trùng cơ hội nặng phải chuyển đến các trung tâm chuyên khoa như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hoặc Trung tâm Da liễu tỉnh, một số trường hợp đã tử vong mà không kịp quay lại điều trị ARV…

Bệnh nhân sau tư vấn, lấy máu xét nghiệm tìm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đắk Lắk.
Bệnh nhân sau tư vấn, lấy máu xét nghiệm tìm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đắk Lắk.

Để tránh lộ thông tin với bà con láng giềng về tình trạng nhiễm HIV của bản thân, nhiều người nhiễm HIV phải tìm đến các cơ sở y tế chăm sóc và điều trị rất xa nơi đang sinh sống. Hiện nay, tại 3 phòng khám ngoại trú điều trị HIV Đắk Lắk đang điều trị cho 42 bệnh nhân đến từ các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô và Cư Jut của tỉnh Đắk Nông; phần lớn những bệnh nhân này có nguyện vọng điều trị tại Đắk Lắk với lý do sợ lộ thông tin với người thân tại địa phương nơi họ sinh sống. Nhiều người đến điều trị khi đã ốm nặng và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật. Hậu quả là làm tăng các chi phí chăm sóc, điều trị và bỏ phí mất những ích lợi về điều trị sớm nhằm giảm lây lan HIV.

Các điều tra trên thế giới cho thấy cứ 7 người nhiễm HIV thì có 1 người bị từ chối cung cấp dịch vụ y tế, và cứ 10 người nhiễm HIV thì có 1 người không được nhận vào làm việc vì tình trạng nhiễm HIV của họ. Ở Việt Nam, một điều tra do Mạng lưới quốc gia của người sống với HIV thực hiện năm 2011 cho thấy cứ 10 người nhiễm HIV thì có 1 người bị mất việc làm và cứ 4 người thì có hơn 1 người được bác sĩ tư vấn là không nên có con, còn tình trạng bị lăng nhục bằng lời nói và hành hung được cho biết là rất phổ biến, nhất là với phụ nữ nhiễm HIV.

Phân biệt đối xử liên quan đến HIV là một rào cản lớn cho nỗ lực mở rộng tối đa việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng chống HIV, nhằm thực hiện mục tiêu 90-90-90 về điều trị HIV của Việt Nam (nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp), để từ đó có thể tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Xóa bỏ phân biệt đối xử còn đặc biệt quan trọng bởi nước ta đang chuyển đổi các dịch vụ phòng, chống HIV từ nguồn hỗ trợ của nước ngoài sang sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế, có nghĩa là các dịch vụ về HIV sẽ được cung cấp chủ yếu ở các bệnh viện đa khoa chứ không phải tại các cơ sở y tế chuyên biệt về HIV nữa.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS ra đời năm 2006, Quy chế về điều phối các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV được Bộ Y tế và Bộ Tư pháp ban hành năm 2014 là một hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, giúp người nhiễm HIV bảo vệ các quyền chính đáng của mình. Cần đẩy mạnh tuyên truyền cộng đồng xã hội xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.