Suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi: Giảm nhưng vẫn ở mức cao
Những năm gần đây, thông qua nhiều giải pháp của ngành Y tế, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, tuy vậy tỷ lệ trẻ bị SDD thể thấp còi vẫn ở mức cao.
Bác sĩ Bùi Thị Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cả về cân nặng lẫn chiều cao: tổ chức truyền thông cả trực tiếp lẫn gián tiếp; tập huấn cho cán bộ y tế xã và cộng tác viên y tế thôn, buôn để họ có thể hướng dẫn, cung cấp cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ những kiến thức chăm sóc bản thân và chăm sóc trẻ nhỏ phát triển tốt, tránh được bệnh tật. Nhiều địa phương còn kết hợp tổ chức chiến dịch cân trẻ với các hoạt động giáo dục truyền thông, thực hành dinh dưỡng. Trong đó, giải pháp được chú trọng thực hiện là truyền thông, hội thảo và tư vấn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi SDD, nhất là ở các xã có tỷ lệ trẻ em SDD cao, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Nhờ vậy, tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giảm dần qua từng năm. Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ này đã giảm được 26,3% (giảm từ 46,8% xuống còn 20,5%).
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp hướng dẫn người dân cách chế biến bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ. |
Những con số về SDD trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh tuy có giảm, nhưng vẫn còn là thách thức rất lớn đối với ngành chức năng và toàn xã hội về tính bền vững. Bởi theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, vào những năm 2000, khi mới đầu tư cho chương trình phòng chống SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ SDD trên địa bàn giảm nhiều, có những năm giảm tới 3%. Nhưng từ năm 2010 đến 2015 tỷ lệ SDD gần như là bão hòa, nằm ở mức khoảng 1%, thậm chí có năm tỷ lệ này chỉ giảm 0,3%. Còn từ năm 2015 đến nay, mức giảm cũng rất khiêm tốn (khoảng 0,7%). Đặc biệt, hiện tại với tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD chiều cao theo tuổi là 31,7%, Đắk Lắk đang nằm trong 3 tỉnh có tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất cả nước.
Theo bác sĩ Bùi Thị Tâm, để phòng chống SDD ở trẻ dưới 5 tuổi, sau khi sinh, trẻ phải được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nên cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng tuổi; cho trẻ ăn bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng; tiêm chủng đầy đủ. Khi con tăng trưởng không khỏe mạnh, phụ huynh nên đưa đi khám xác định tình trạng dinh dưỡng. Với trẻ bị SDD cần phải được bổ sung kịp thời các vi chất để tăng sức đề kháng. |
Trên thực tế, tại nhiều địa phương, nhất là những huyện vùng sâu, biên giới như Krông Bông, Ea Súp, Ea H’leo, M’Đrắk, Lắk… mặc dù đội ngũ cán bộ làm chương trình dinh dưỡng tại các trạm y tế xã vẫn thường xuyên truyền thông, hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách tổ chức bữa ăn hợp lý nhằm phòng, chống SDD cho trẻ, nhưng người dân lại không có điều kiện thực hiện tại gia đình, điều này khiến cho tỷ lệ trẻ SDD cao. Đơn cử như tại huyện Lắk, hiện tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi là trên 22,45%. Đặc biệt, tại 5 xã (Đắk Phơi, Krông Nô, Ea R’bin, Nam Ka, Bông Krang) tỷ lệ này là từ 23% trở lên, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả tỉnh. Thế nhưng để giảm tỷ lệ này xuống mức thấp không phải là chuyện một sớm một chiều. Theo bác sĩ Phạm Phú Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi, nguyên nhân hàng đầu vẫn là kinh tế. Hầu như các gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đều nuôi con theo tập quán, các bà mẹ khi mang thai không chăm sóc thai nghén, không đi khám thai, khi sinh con ra lại thiếu kiến thức, không có điều kiện cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng (thiếu chất đạm, chất béo, rau xanh…). Song, để thay đổi được những yếu tố này cần phải có thời gian để đầu tư, khắc phục vì nó phụ thuộc vào việc nâng cao trình độ dân trí và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ thực tế này, thiết nghĩ, thời gian tới, để công tác phòng chống SDD trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với ngành Y tế, cũng như các hội, đoàn thể trên địa bàn. Đồng thời, ngành chức năng nên đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép sâu rộng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đến người dân. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư, tạo điều kiện để các xã vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dần đời sống của người dân.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc