Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm

06:33, 13/08/2017

Mùa mưa ở Tây Nguyên với độ ẩm cao, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển khiến các vụ ngộ độc thực phẩm gia tăng mạnh vào thời điểm này.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, số trường hợp mắc, tử vong cao tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 15 – 49 tuổi vì đây là lứa tuổi tiếp xúc xã hội nhiều hơn nên nguy cơ mắc ngộ độc thực phẩm cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm là do thực phẩm có độc tố tự nhiên (chiếm 32,8%), thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (chiếm 29,1%), căn nguyên do ăn thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại,  thực phẩm ôi thiu có tỷ lệ lần lượt là 7,9% và 2,1%. Ngoài ra, có 28% các vụ ngộ độc thực phẩm không tìm được nguyên nhân.

Theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 58 người mắc, trong đó có 2 vụ ngộ độc do vi sinh vật, 1 vụ do thực phẩm biến chất. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 45 hội nghị, hội thảo triển khai công tác về an toàn thực phẩm, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATVSTP bằng nhiều hình thức như tập huấn, hội nghị, nói chuyện, treo băng rôn khẩu hiệu, đĩa truyền thông tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng... Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã tổ chức 428 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với 6.861 cơ sở, trong đó phát hiện và xử phạt 418 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bác sĩ Chuyên khoa  I Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo: Vào mùa mưa, trong tự nhiên sẽ có rất nhiều sản phẩm thực vật như rau, nấm… Vì thế, người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các vụ ngộ độc do nấm gây ra. Cụ thể, không nên ăn các loại nấm lạ, nấm non chưa xòe mũ, các loại nấm có màu sắc sặc sỡ… Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông tới vùng sâu, vùng xa, Chi cục ATVSTP tỉnh sẽ triển khai công tác chỉ đạo tuyến đến tất cả các huyện, xã để hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới làm tốt công tác ATVSTP tại địa phương; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATVSTP; tổ chức, triển khai công tác giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo với người tiêu dùng về các sản phẩm không an toàn, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh… 

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.