Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng bệnh viện không khói thuốc lá: Nhìn từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh

15:52, 29/10/2017

Từ năm 2013, sau khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã có nhiều nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bệnh viện đã triển khai các hoạt động đa dạng phòng chống tác hại thuốc lá tại tất cả các khoa, phòng như: Truyền thông bằng panô, áp phích, niêm yết các hình ảnh không hút thuốc lá… Đồng thời, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, các văn bản, quy định về việc không hút thuốc lá ở nơi công cộng trong các buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh, tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh.

Một bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.
Một bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.

Bệnh viện cũng đã quán triệt, yêu cầu tất cả các nhân viên y tế trong đơn vị không hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi làm việc, xem đây là một tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hằng năm tại đơn vị. Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, biện pháp xử lý chủ yếu khi phát hiện vẫn là nhắc nhở, khuyến khích bỏ thuốc lá. Nhờ vậy, đến nay Bệnh viện chưa có trường hợp cán bộ y tế hút thuốc lá tại nơi làm việc; tình trạng người bệnh, người nhà bệnh nhân hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, phòng bệnh cũng giảm đáng kể.

Dù vậy, việc xây dựng môi trường không khói thuốc vẫn gặp không ít khó khăn, phần lớn do nhận thức của người đến khám bệnh, chữa bệnh còn hạn chế; nhiều người bệnh nghiện thuốc lá lâu năm khó bỏ. Như trường hợp bà Phạm Thị Kiếm (85 tuổi, trú tổ dân phố 11, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bà Kiếm có tiền sử hút thuốc lá từ năm 13 tuổi; trong 10 năm gần đây, các triệu chứng của bệnh khiến bà liên tục bị ho, khó thở, tức ngực… nên sức khỏe ngày càng sa sút. Mỗi lần nhập viện điều trị là một lần bà quyết tâm bỏ thuốc lá nhưng khi sức khỏe ổn định, xuất viện thì bà lại tiếp tục hút thuốc.

Bác sĩ Chuyên khoa I Rơ Ma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh nói: “Cái khó nhất trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay tại Bệnh viện là chưa có chế tài xử phạt và nếu xử phạt thì phạt ở những mức nào, nộp phạt ra sao… trong khi đối tượng hút thuốc phần lớn là người đến thăm bệnh nhân hoặc là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Vì vậy, đến nay, biện pháp chủ yếu vẫn chỉ là nhắc nhở, động viên  người bệnh từ bỏ thuốc lá”.

Trong thời gian tới, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, như: Quán triệt 100% cán bộ không hút thuốc lá tại nơi làm việc; lồng ghép tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh, các buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh…; niêm yết các hình ảnh về tác hại của hút thuốc lá tại các khoa phòng và khuôn viên bệnh viện.

Hương Xuân – Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.