Chế độ ăn hợp lý giúp bệnh nhân đái tháo đường sống khỏe, sống thọ
Đái tháo đường (tiểu đường) đang là căn bệnh mãn tính phổ biến tại Việt Nam. Bệnh có khả năng gây nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể, điển hình nhất là ở thận, tim, mắt, đe dọa tính mạng của người bệnh.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa chất đường trong máu do thiếu hụt insulin, loại hormone giúp cân bằng lượng đường trong máu. Vì vậy, đối với người bệnh đái tháo đường, việc lựa chọn thực phẩm chứa hàm lượng đường thấp là vô cùng quan trọng. Trong ăn uống, người bệnh cần quan tâm đến hai chỉ số là tốc độ làm tăng đường huyết của thực phẩm (chỉ số GI), tức là khả năng làm tăng đường huyết nhanh hay chậm sau khi ăn của một thực phẩm và hàm lượng đường có chứa trong thực phẩm (chỉ số GL). Theo đó, chỉ số GI tốt nhất là từ 0-55, chỉ số GL nên thấp hơn 10. Tương ứng với chỉ số này gồm các loại thức ăn như: khoai lang, cà rốt sống, bông cải xanh, bắp cải (nấu chín), các loại đậu (đỗ), nấm, rau bina…, các loại trái cây như bưởi, táo, lê, dâu tây, cam…, đồ uống như sữa đậu nành, nước ép cà chua. Đặc biệt, người bệnh nên ăn cá thay cho các loại thịt động vật.
Ba yếu tố quan trong trong việc điều trị bệnh đái tháo đường là thuốc uống, chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao. Trong đó, ăn uống hợp lý được xem là giải pháp giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, sống khỏe, sống thọ. |
Bác sĩ Đỗ Văn Khải (khoa Châm cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) khuyến cáo, bệnh nhân đái tháo đường trước khi ăn cơm nên ăn các loại rau, quả có hàm lượng đường thấp trước để tăng cảm giác no, đồng thời hạn chế lượng tinh bột đưa vào cơ thể. Bên cạnh đó, trong các bữa ăn, người bệnh sử dụng các loại thực phẩm giúp ổn định đường huyết như mướp đắng (khổ qua), hành tây. Người bệnh tuyệt đối không nên hút thuốc lá và hạn chế tối đa đồ uống có cồn. Đối với người bệnh ở giai đoạn tiền tiểu đường, có một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ hạn chế khả năng phải dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường cũng không nên kiêng khem quá mức bởi như vậy cơ thể sẽ thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động. Người bệnh có thể dùng các loại thức ăn như người bình thường nhưng nên dùng ít lại.
Cũng theo bác sĩ Khải, hiện nay hầu hết bệnh nhân đái tháo đường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, nguy cơ biến chứng cao. Vì thế, nếu cơ thể con người có các triệu chứng như thèm ăn, ăn nhiều, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, sụt cân nhanh thì cần đi khám ngay. Bên cạnh đó, những đối tượng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần gồm: người trên 40 tuổi, bị thừa cân, béo phì; gia đình có ông bà, bố mẹ mắc bệnh đái tháo đường; người thường xuyên uống bia, rượu, hút thuốc lá…
Để phòng ngừa căn bệnh này, mọi người cần có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, hạn chế thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, nên ăn nhiều rau, củ, quả; tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc