Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh gút
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng bệnh gút chỉ xảy ra ở đàn ông trên 50 tuổi. Tuy nhiên, căn bệnh này đang ngày càng trở nên phổ biến, người mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, thậm chí có người chỉ mới ngoài 30 tuổi. Bệnh có liên quan đến lối sống hiện nay như ăn uống quá độ và thiếu vận động.
Bệnh gút là một dạng viêm khớp được hình thành do sự kết đọng của tinh thể muối urat trong khớp xương gây nên các triệu chứng điển hình là đau nhức, sưng đỏ, hạn chế trong vận động. Vị trí thường gặp của bệnh này là bàn chân, bàn tay, mắt cá chân. Có khoảng 60% bệnh nhân gặp phải các triệu chứng bệnh gút nhưng do không có kiến thức về bệnh nên dễ dàng bỏ qua. Điều này không chỉ làm sức khỏe suy yếu mà bệnh nhân còn phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm của bệnh gút như viêm xương khớp, tổn thương thận, tim mạch...
Hằng ngày, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận hàng chục bệnh nhân có các triệu chứng bệnh lý về cơ xương khớp, trong đó phổ biến là bệnh thoái hóa khớp và bệnh gút. Đối với những người bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì biến chứng để lại khá nặng nề: làm biến dạng các khớp, gây đau nhức thường xuyên, nặng hơn có thể mất khả năng di chuyển, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân mắc bệnh gút đang điều trị tại khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Q. Nhật |
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh gút ngày càng trẻ hóa, 95% bệnh gút gặp ở nam giới từ 30-60 tuổi. Không chỉ người già mắc bệnh mà giới trẻ bây giờ cũng mắc bệnh ngày càng nhiều do chế độ ăn nhiều thịt động vật, tôm, cua, cá, thịt bò, gà; sử dụng nhiều rượu bia; đứng quá lâu và ít vận động hoặc vận động mạnh; do căng thẳng, lo lắng quá độ”. Giai đoạn đầu tiên của bệnh gút tiến triển khá chậm và ít gây ra các biểu hiện bên ngoài. Lúc này, hàm lượng các acid uric trong máu tăng cao nhưng chưa xuất hiện các biểu hiện của bệnh. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1-3 tháng. Bệnh nhân chỉ có thể phát hiện bệnh thông qua việc khám sức khỏe định kỳ hoặc tình cờ làm xét nghiệm về máu mới biết chính xác bệnh. Giai đoạn cấp tính sẽ xuất hiện các cơn đau tại các khớp và giai đoạn mãn tính thì người bệnh cảm thấy đau dữ dội tại các khớp.
Để phòng bệnh gút, hạn chế ăn nhiều đạm động vật vì đạm động vật chứa rất nhiều purin trong đó nhiều nhất phải kể đến là nội tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua...; hạn chế bia rượu, uống nhiều nước. Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách giảm cân từ từ giúp giảm nồng độ acid uric máu, đồng thời giảm bớt sự chịu đựng sức nặng của các khớp. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, nếu thấy có dấu hiệu của bệnh gút hãy nhanh chóng khám và điều trị sớm để đạt hiệu quả tốt nhất. |
Đa số người bệnh cho rằng bệnh gút không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ việc điều trị của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp và tự ý bỏ thuốc khi bệnh đã giảm. Như trường hợp ông Phùng Cao Sơn (65 tuổi, ở thôn 6B xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) được chẩn đoán mắc bệnh gút từ 10 năm trước. Do chủ quan cho rằng bản thân chỉ đau nhức khớp thông thường nên ông không điều trị thường xuyên. Một thời gian sau, cả hai bàn tay, chân của ông Sơn sưng to, tấy đỏ, không đi lại được kèm theo đi tiểu phân đen, nôn ra máu. Ông Sơn đã phải nhập viện vì biến chứng của bệnh gút gây tăng huyết áp, suy thận và chuyển sang tai biến.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng cảnh báo, bệnh lý viêm khớp gút là một bệnh mãn tính nên người bệnh phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn đến tàn phế. Mọi người nên ý thức việc phòng ngừa sớm bệnh gút; nhất là đối với nhóm người nguy cơ mắc bệnh cao, tránh để bệnh bùng phát đột ngột.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc