Nan giải loại trừ bệnh sốt rét
Trong thời gian qua, nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bệnh sốt rét khiến số lượng bệnh nhân mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu hoạt động chuyên môn trong năm 2017 của Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các chỉ số hoạt động chuyên môn đều tăng cao theo chiều hướng xấu so với năm 2016; trong đó, số lượng bệnh nhân sốt rét tăng 223 người; 1 trường hợp tử vong do sốt rét; số lượng ký sinh trùng sốt rét tăng 243 mẫu; 12/15 huyện có số ca sốt rét tăng và 14/15 huyện có số ca ký sinh trùng sốt rét tăng…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Văn Hoàng, Phó Viện trưởng Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn thì nguyên nhân ca bệnh sốt rét tăng và số lượng ký sinh trùng sốt rét, côn trùng tăng có thể là do sự quay trở lại của mầm bệnh, bệnh sốt rét tái phát/tái nhiễm do kháng thuốc, việc tuân thủ phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét chưa hiệu quả… Tiến sĩ Hoàng cũng đề nghị: “Trong thời gian tới cần có bằng chứng nghiên cứu khoa học cụ thể về sốt rét tại Đắk Lắk, nhất là vùng biên giới giáp ranh, vùng có sốt rét lưu hành nặng”.
Lấy mẫu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Ảnh: Đình Thi |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay công tác phòng chống bệnh sốt rét của tỉnh Đắk Lắk gặp không ít khó khăn. Kinh phí và vật tư, hóa chất hoạt động phòng chống sốt rét trong thời gian qua chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ Dự án sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin (Ral) do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ song nguồn cấp phát khá chậm trễ. Từ đó dẫn đến tình trạng khó kiểm soát ca mắc sốt rét và điều trị tại cơ sở y tế; cung ứng thuốc tại trạm y tế chưa kịp thời, xảy ra trường hợp thuốc quá hạn sử dụng… Bên cạnh đó, do trong thời gian dài không có ca mắc sốt rét khiến xuất hiện tâm lý chủ quan trong phát hiện ca bệnh. Thạc sĩ, bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, dẫn chứng: “Trường hợp một trẻ em tử vong do sốt rét ở buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn trong năm 2017 xuất phát từ sự chủ quan. Khi trẻ có dấu hiệu sốt li bì không rõ nguyên nhân, gia đình chủ quan chỉ nghĩ rằng trẻ bị sốt thông thường nên đưa trẻ đến phòng khám và lấy thuốc điều trị. Tuy nhiên, vài ngày sau trẻ vẫn sốt liên tục, khi trẻ được chuyển tuyến cấp cứu thì đã muộn…”.
Cũng theo bác sĩ Hùng, huyện Buôn Đôn hiện có 7 xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành; đặc biệt tại xã biên giới Krông Na, Vườn Quốc gia Yok Đôn, buôn Drang Phốk…, người dân sinh sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy và thường ngủ lại rẫy dài ngày diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát người dân qua lại biên giới. Những trường hợp mắc sốt rét chủ yếu rơi vào những đối tượng này. Thêm vào đó, kinh phí hoạt động phòng chống sốt rét tại địa phương rất hạn chế, không đủ để hoạt động; mục tiêu tiến tới loại trừ sốt rét tại Buôn Đôn trong giai đoạn 2020 -2030 là bài toán vô cùng nan giải.
Trường hợp mắc bệnh sốt rét chủ yếu xảy ra ở những người dân sinh sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy. |
TP. Buôn Ma Thuột, trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh với mật độ dân cư đông đúc cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh, trong đó có sốt rét. Theo thống kê của Trung tâm Y tế thành phố, trong năm 2017, toàn thành phố có 23 ca mắc sốt rét, tăng 10 ca so với năm 2016; những trường hợp mắc sốt rét chủ yếu là do đi rừng hoặc bệnh nhân sốt rét từ các nơi khác đến điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Chiến lược Quốc gia phòng, chống và loại trừ sốt rét tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định các mục tiêu chủ động phòng chống bệnh, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét dưới 0,19/1.000 người và khống chế tỷ lệ tử vong do bệnh sốt rét dưới 0,02/100.000 người. |
Tại huyện Krông Bông, dù công tác phòng chống bệnh sốt rét được triển khai khá hiệu quả song vẫn phát hiện bệnh nhân mắc sốt rét. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho biết: Hoạt động phòng chống sốt rét tại huyện Krông Bông trong năm qua khá hiệu quả nhờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ được thực thi và sự chỉ đạo sát sao của các cấp; đội ngũ cộng tác viên y tế là người Mông được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn phát hiện có bệnh nhân mắc sốt rét, chủ yếu là trường hợp từ tỉnh khác đi rừng, làm rẫy dài ngày tại huyện Krông Bông, sau đó lại chuyển về điều trị tại Lâm Đồng hoặc Gia Lai; hầu hết những trường hợp này thường được phát hiện muộn, có nguy cơ tử vong cao.
Đã có nhiều giải pháp được đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống sốt rét tỉnh Đắk Lắk năm 2017 vừa qua. Trong đó nhấn mạnh đến giải pháp xã hội hóa công tác phòng, chống sốt rét nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức quần chúng xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống sốt rét. Quả thực, phải huy động sự vào cuộc của toàn xã hội chứ không thể phó mặc cho ngành y tế thì mới có thể mang lại hiệu quả cho hoạt động phòng chống sốt rét, hướng tới loại trừ căn bệnh này trong thời gian tới như mục tiêu đã đề ra.
Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc