Multimedia Đọc Báo in

Bùng phát bệnh thủy đậu

08:33, 21/04/2018

Những ngày này, bệnh thủy đậu đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh với số ca mắc tăng nhanh. Mặc dù là bệnh truyền nhiễm lành tính, song nếu người mắc bệnh thủy đậu trên nền bị các bệnh suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong. 

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh

Vừa sinh con được hơn 1 tháng, chị T.N.Q. ở khối 15, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo bị bệnh thủy đậu và lây sang cho đứa con mới sinh. Chị Q. chia sẻ: "Tôi đi ra ngoài và bị nhiễm mầm bệnh nhưng không biết, đến khi thấy nổi các nốt mụn trên người, đi khám mới biết bị thủy đậu. Sau đó, con tôi cũng lây bệnh của mẹ. Khi đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ đã yêu cầu nhập viện vì bệnh có dấu hiệu biến chứng”. Tương tự, bé C.Q.N. (hơn 1 tháng tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cũng bị lây bệnh thủy đậu từ mẹ, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng cơ hội và đang được điều trị tích cực tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, trong những năm gần đây do hiệu quả của tiêm vắc xin phòng bệnh nên tỷ lệ mắc cũng như độ nặng của bệnh thủy đậu đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng thủy đậu vẫn là bệnh lý thường hay gặp  ở trẻ nhỏ. Từ đầu năm đến nay, khoa vẫn tiếp nhận rải rác các trường hợp mắc thủy đậu vào điều trị, đa phần là những bệnh nhân có biến chứng hoặc trên các cơ địa đặc biệt như trẻ chưa được tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, suy phản ứng dịch, trẻ có bệnh lý mềm…

Một trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Một trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 140 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Bệnh xuất hiện rải rác ở các địa phương trong tỉnh (trong đó riêng huyện Ea Súp ghi nhận 30 trường hợp) và trên mọi lứa tuổi.

Đánh giá của các chuyên gia y tế cho thấy, nếu như trước đây, đối tượng mắc bệnh thủy đậu chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi thì nay nhiều trường hợp là người lớn khoảng từ 25-30 tuổi mắc bệnh, sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ. Người lớn, nhất là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở ba tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh.

Bệnh thủy đậu dễ lây chéo trong gia đình

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cho biết, thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter. Bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng hay dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Thời kỳ lây truyền của bệnh là một, hai ngày trước khi phát ban và trong vòng năm ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Đáng chú ý bệnh thường hay lây nhiễm chéo giữa các thành viên trong gia đình. Hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh mắc thủy đậu vào điều trị tại khoa Nhi tổng hợp đều do bị lây bệnh từ mẹ, hoặc anh chị em trong nhà.

Biểu hiện ban đầu của bệnh thủy đậu là phát ban trên khắp cơ thể. Các nốt phỏng nông, thưa, mọc rất nhanh, sau đó mọc làm nhiều đợt cách nhau 2 - 3 ngày. Nếu điều trị đúng chỉ định và vệ sinh sạch sẽ, không bị biến chứng thì bệnh sẽ khỏi sau 5-7 ngày. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ thành mủ, sưng to và rất ngứa khiến người bệnh gãi trầy da, để lại sẹo sâu.

Trẻ em nên tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh thủy đậu.
Trẻ em nên tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh thủy đậu.

Trong trường hợp bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, tổn thương não, nhiễm trùng cơ hội gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại di chứng về sau.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, đối với bệnh thủy đậu, tiêm ngừa vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân và cộng đồng. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm vắc xin phòng thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi, chỉ cần tiêm một liều vắc xin Còn từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều vắc xin cách nhau ít nhất 6 tuần để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh, để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý; vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học, nghỉ làm việc 7-10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để phòng nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, khi bị thủy đậu, người bệnh vẫn cần tắm rửa, vệ sinh hằng ngày nhưng phải đun nước ấm, tốt nhất tắm bằng nước lá chè xanh; giữ ấm cơ thể; chú ý súc miệng nước muối thường xuyên và ăn uống nhiều chất để tăng cường đề kháng.

KIm Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.