Dinh dưỡng và sức khỏe cho lứa tuổi dậy thì
Ở lứa tuổi dậy thì, tốc độ phát triển về chiều cao và cân nặng diễn ra nhanh nên việc bảo đảm dinh dưỡng cân đối, giáo dục giới tính và giáo dục vệ sinh cá nhân rất quan trọng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở lứa tuổi dậy thì cần cung cấp thêm những thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, i-ốt. Canxi giúp phát triển khối xương, có nhiều trong sữa, sản phẩm từ sữa, tôm tép, đậu hũ và rau xanh. Việc nhận đủ canxi ở giai đoạn dậy thì không chỉ giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng độ chắc xương mà còn giảm nguy cơ gãy xương khi về già. Kẽm cần thiết cho sự phát triển khối cơ và hệ sinh dục; có nhiều trong thực phẩm giàu đạm (thịt gia cầm, trứng, sữa,…) và ngũ cốc nguyên hạt. Sắt cần cho sự tạo máu và sự hình thành myoglobin ở cơ bắp. Nam cần sắt nhiều hơn nữ để phát triển khối cơ, tuy nhiên vì nữ bắt đầu có hiện tượng mất máu sinh lý hằng tháng qua chu kỳ kinh nguyệt nên nhu cầu sắt bổ sung ở nữ lại cao hơn. Sắt có nhiều trong gan, tiết, thịt, cá, trứng và rau xanh. Sắt trong thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ dễ hấp thu hơn thực vật. Thiếu i-ốt dẫn đến bệnh bướu cổ, trí tuệ không phát triển, bị thấp lùn, làm não bị tổn thương, học tập thụ động, dẫn đến trì trệ, giảm tiếp thu.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ngoài chế độ dinh dưỡng thì việc vệ sinh cơ thể ở lứa tuổi dậy thì cũng rất quan trọng. Việc vệ sinh thân thể và các giác quan không chỉ giúp về mặt thẩm mỹ, nó còn nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, phòng ngừa được bệnh tật. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Hằng ngày, nhất là về mùa hè phải tắm gội bằng nước sạch để cho da, tóc luôn sạch sẽ. Tạo thói quen mang giày, dép khi đi học, đi chơi, kể cả khi ở nhà để bảo vệ da bàn chân và tránh được các bệnh giun chỉ. Tạo thói quen đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
Mặc trang phục phải phù hợp với thời tiết, lứa tuổi, giới tính. Thay quần áo lót sạch sẽ hằng ngày, không mặc quần áo lót chật, cứng vì vừa mất vệ sinh vừa gây cảm giác khó chịu. Lựa chọn mũ nón phù hợp với thời tiết để tránh nắng và tránh gió. Giày dép nên lựa chọn vừa chân, nhẹ phù hợp với hoạt động thể dục thể thao và lao động, vui chơi.
Giấc ngủ là một dạng nghỉ ngơi cơ bản không gì có thể thay thế được, thiếu ngủ có hại cho cơ thể hơn cả thiếu ăn. Vì vậy, cần ngủ đủ giờ, đối với thanh thiếu niên thời gian ngủ khoảng 9-10 giờ/ngày. Không nên đi ngủ ngay sau khi thực hiện công việc trí óc hoặc tay chân căng thẳng. Cần tạo thói quen đi ngủ đúng giờ để ngủ đủ giấc. Không nên ăn tối quá gần thời gian ngủ, nên ăn những thức ăn dễ tiêu. Đi lại nhẹ nhàng hay tắm rửa trước khi ngủ rất có lợi cho giấc ngủ.
Trong thời gian học tập ở trường, giờ ra chơi, các em học sinh nên vận động và giải trí nhẹ nhàng giúp cơ thể thư giãn cơ bắp và tinh thần, không nên chơi các trò chơi nặng nhọc, đọc truyện hay xem lại bài mà nên tổ chức tập thể dục ngoài trời để giảm mệt mỏi, tạo hưng phấn, giúp phát triển thể chất và phòng các bệnh cong vẹo cột sống.
Rèn luyện cơ thể là việc sử dụng một hệ thống các biện pháp vệ sinh nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể đối với tác động xấu của các yếu tố môi trường bên ngoài (nóng, lạnh, gió, áp suất…). Tiến hành một cách thường xuyên các biện pháp rèn luyện cơ thể để phòng bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và duy trì khả năng hoạt động của cơ thể. Cần luyện tập thể thao trong môi trường thoáng mát, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ tập luyện sạch sẽ, uống đủ nước trong quá trình luyện tập.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc