Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

07:05, 22/04/2018

Thực hiện Chỉ thị số 04/2003/CT-BYT ngày 10-10-2003 của Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc trẻ sơ sinh nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh và Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 15-10-2009 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ nhằm giảm tử vong mẹ, ngành Y tế huyện Krông Bông đã triển khai nhiều giải pháp củng cố hệ thống y tế, chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.

Là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên từ năm 2011 trở về trước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn huyện Krông Bông gặp không ít khó khăn. Do trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số chưa cao nên công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Theo thống kê, năm 2011, số trẻ bị suy dinh dưỡng trên địa bàn chiếm 28%; số bà mẹ bị 5 tai biến sản khoa cao hơn so với cả nước. Trung bình cứ 100 phụ nữ sinh đẻ thì có 26,2 trường hợp bị tai biến và cứ 1.000 trẻ thì có 15 trẻ tử vong. Trong năm 2011 đã có 204 ca bị 5 tai biến sản khoa, làm chết 7 người.

Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho hay, trước thực tế đó, Trung tâm đã chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thông qua hàng trăm cuộc họp với đại diện các đoàn thể và thôn, buôn... Bên cạnh đó, Trung tâm còn chỉ đạo và duy trì lực lượng cộng tác viên y tế thường xuyên bám sát địa bàn, tích cực thăm hỏi, tuyên truyền tại các gia đình, đặc biệt là hộ người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình để họ chia sẻ công việc, có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và trẻ em.

Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Krông Bông khám sàng lọc cho trẻ em tại xã Cư Pui trong chiến dịch tiêm viêm não Nhật Bản.
Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Krông Bông khám sàng lọc cho trẻ em tại xã Cư Pui trong chiến dịch tiêm viêm não Nhật Bản.

Đặc biệt, khi Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sơ sinh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk” do tổ chức Save the Children International tài trợ được triển khai tại hai huyện Lắk, Krông Bông và Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 6-2017 thì công tác này ngày càng được quan tâm, nhân rộng và tạo sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, vai trò của trạm y tế xã đặc biệt quan trọng trong việc chỉ đạo đội ngũ nhân viên y tế đẩy mạnh hoạt động tư vấn tại các cuộc họp thôn, buôn và trực tiếp tại hộ gia đình để vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn chị em cách nuôi dạy con khoa học, cách tổ chức cuộc sống gia đình; vận động chị em đi khám phụ khoa và điều trị phụ khoa; đối với phụ nữ mang thai bảo đảm được khám 3 lần trong chu kỳ mang thai; tư vấn cho các bà mẹ tổ chức mâm dinh dưỡng… Đối với công tác chăm sóc trẻ em, đơn vị đã vận động các bà mẹ có con dưới 1 tuổi đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để đề phòng 6 bệnh nguy hiểm và uống vắc-xin...

Cán bộ Trạm Y tế xã Yang Mao tư vấn về kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho phụ nữ trên địa bàn.
Cán bộ Trạm Y tế xã Yang Mao tư vấn về kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho phụ nữ trên địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ cho biết thêm: Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho các cán bộ y tế huyện, xã, các cộng tác viên y tế thôn, buôn và cán bộ Hội Phụ nữ các cấp nhằm nâng cao hiệu quả Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sơ sinh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk”, giúp người dân thay đổi hành vi, thái độ, nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…

Theo thống kê, trong năm 2017, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể; hơn 4.000 phụ nữ được khám và điều trị phụ khoa; gần 90% số phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần/thai kỳ tại các cơ sở y tế; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm từ 28% năm 2011 xuống còn 18%...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.