Multimedia Đọc Báo in

Mùa nắng nóng: Cẩn trọng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm

09:03, 23/04/2018

Thời tiết nắng nóng của mùa hè là môi trường thuận lợi cho các loại  vi khuẩn, vi rút có trong thực phẩm phát triển nhanh gấp nhiều lần so với thời tiết bình thường. Nếu người dân và các cơ sở kinh doanh thực phẩm không chú ý đảm bảo vệ sinh, bảo quản tốt thức ăn sẽ rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Nỗi lo thực phẩm biến chất

Cứ mỗi buổi trưa, chiều, những “quán ăn lưu động” vẫn hoạt động miệt mài trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhằm “phục vụ” bữa ăn cho bệnh nhân và người nhà của họ. Trong cái nắng gay gắt 35-36oC, các loại thực phẩm đã qua chế biến chỉ được bảo quản rất sơ sài trong những cái tủ kính không có cửa, thậm chí còn “phơi” giữa nắng, bụi. Món chiên, nướng được chế biến ngay nơi vỉa hè bụi bặm, không có dụng cụ che đậy. Song, người bán cứ bán, người mua vẫn mua, chẳng mấy ai quan tâm đến việc thức ăn có bảo đảm  vệ sinh hay không. Bởi theo lời của một người bán hàng tại đây thì thức ăn đều được chế biến trong ngày, chế biến xong đều bán ngay nên dù nắng nóng cũng khó có thể ôi thiu (!?). Còn với người mua hàng - đa số là người nhà bệnh nhân,vì muốn nhanh chóng, thuận tiện nên dù hàng quán vỉa hè, trước cổng bệnh viện không bảo đảm vệ sinh thì cũng… nhắm mắt làm ngơ. 

Trên thực tế, ngoài các quán ăn vỉa hè ở quanh khu vực chợ, bệnh viện, vào giờ tan tầm, các xe đẩy thức ăn xuất hiện trên mọi nẻo đường trong thành phố. Hầu hết các hàng quán lưu động này thường không được trang bị những dụng cụ phòng tránh nhiễm khuẩn; nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm cũng như phụ gia thực phẩm rất khó kiểm tra. Thêm vào đó, kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm của người bán hàng còn hạn chế, chưa nhận thức hết tác nhân gây ô nhiễm thức ăn nên quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo đảm vệ sinh. 

Hàng ăn lưu động bày bán trên vỉa hè  trước cổng Bệnh viện  Đa khoa tỉnh.
Hàng ăn lưu động bày bán trên vỉa hè trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, thực phẩm hoặc nguyên liệu chế biến, nhất là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: cá, hải sản, sữa... để lâu trong nhiệt độ cao, để ngoài trời với điều kiện không bảo đảm vô khuẩn sẽ dễ bị biến chất, ôi thiu, nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc rất cao.

Chủ động phòng tránh nguy cơ

Việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm không bảo đảm  chất lượng và bảo quản thực phẩm không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu, cộng với tác động nắng nóng của mùa hè khiến cho nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng gấp nhiều lần. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch kém thường là “nạn nhân” chính bị ngộ độc thực phẩm. Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong mùa hè, bác sĩ Trần Văn Tiết khuyến cáo: người dân không nên mua và dự trữ quá nhiều, quá lâu các loại thực phẩm tươi sống. Đối với các thực phẩm bao gói sẵn như giò, chả… nên mua ở các cơ sở uy tín và có đầy đủ nhãn mác theo quy định, tránh mua hàng trôi nổi trên thị trường, có thể giá rẻ hơn nhưng nguy cơ mất an toàn vệ sinh rất lớn và chất lượng không ổn định. Đặc biệt, phải bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ khi chế biến thực phẩm.

Bác sĩ Trần Văn Tiết cũng lưu ý, khi bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh, người tiêu dùng nên chú ý cả hai mặt lợi và hại. Bởi, tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu tích trữ quá nhiều thực phẩm, không khí lạnh không lưu thông được, nhiệt độ không bảo đảm sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng, gia tăng bệnh truyền qua thực phẩm và nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, người dân phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…). Khi đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.