Phòng chống bệnh lao trong cộng đồng: Thiếu hụt nhiều nguồn lực
Mặc dù công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn được đẩy mạnh, mạng lưới chống lao được duy trì từ tỉnh đến huyện, xã, bệnh nhân lao được phát hiện sớm, kịp thời điều trị và đạt tỷ lệ khỏi cao, nhưng hiện tại mạng lưới chống lao của tỉnh vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.
Đã từng mắc bệnh lao phổi AFB(+) được điều trị khỏi và hiện đang tiếp tục điều trị bệnh lao tái phát ở tháng thứ 7, hơn ai hết anh Trần Văn Vỹ (37 tuổi, ở thôn 7, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) rất hiểu những nguy cơ của căn bệnh này đối với sức khỏe bản thân và gia đình. Anh cho biết: “Khi mới phát hiện bệnh lần đầu, tôi thường xuyên bị khó thở và ho ra máu, sức khỏe rất yếu nên dù là lao động chính trong nhà nhưng hầu như chẳng làm được việc gì. Đã vậy, trong mọi sinh hoạt, ăn uống, tôi phải thực hiện cách ly để phòng lây bệnh cho vợ, con. Khỏi bệnh được hơn 1 năm, thấy sức khỏe tốt, tôi ra sức lao động, làm việc nặng nhọc, lại ít quan tâm chăm chút sức khỏe bản thân dẫn đến bệnh tái phát trở lại. Hiện tại, tôi đang điều trị bệnh lao ở tháng thứ 7 theo phác đồ, sức khỏe đã tốt hơn nhiều, đã sinh hoạt, lao động trở lại bình thường. Quả thực, nhờ có sự hướng dẫn, hỗ trợ, động viên thường xuyên của cán bộ y tế, tôi mới đạt được kết quả điều trị như hôm nay, bởi mỗi liệu trình điều trị kéo dài đến 8 tháng, cộng với tác động từ bên ngoài là sự xa lánh của nhiều người xung quanh ảnh hưởng đến tâm lý trong thời gian điều trị”.
Cộng tác viên y tế thôn 7, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn hướng dẫn người bệnh về việc dùng thuốc, tuân thủ đúng phác đồ điều trị. |
Theo Y sĩ Ngô Thị Nghinh, cán bộ phụ trách Chương trình phòng chống lao của Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, trong 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện phát hiện 13 trường hợp mắc bệnh lao, trong đó có 7 trường hợp mắc lao phổi AFB(+), tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Người mắc lao được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, đúng thuốc sẽ sớm hồi phục sức khỏe, nhưng nếu không phát hiện kịp thời và chủ động đến cơ sở y tế để khám, điều trị thì mỗi bệnh nhân mắc lao sẽ có khả năng lây nhiễm cho 10-15 người khỏe mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động phòng chống lao trên địa bàn huyện đang gặp những khó khăn không nhỏ, đó là không có kinh phí hỗ trợ giám sát cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn và trạm y tế, đội ngũ làm công tác phòng chống lao ở các xã kiêm nhiệm nhiều công việc khác và thay đổi liên tục, dẫn đến việc triển khai công tác phòng chống lao, từ phát hiện bệnh nhân lao đến quản lý điều trị ngoại trú cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Khó khăn của huyện Buôn Đôn hiện cũng là khó khăn chung đối với Chương trình phòng chống lao của tỉnh. Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện công tác phòng, chống lao là tình trạng thiếu hụt y bác sĩ từ tỉnh đến cơ sở; nhân viên y tế làm công tác chống lao tuyến huyện, xã trình độ không đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động phòng chống lao từ khâu phát hiện bệnh nhân đến điều trị. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho tỷ lệ điều trị khỏi (đánh giá trên bệnh nhân lao phổi dương tính) chỉ đạt 81%, thấp hơn so với chỉ tiêu Trung ương giao (≥85%). Thêm vào đó, kinh phí cho công tác phòng chống lao hiện nay chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Rồi sự kỳ thị của xã hội, sự e dè, tự ái của bản thân người mắc lao còn khá phổ biến làm người bệnh tự ý bỏ thuốc khi thấy sức khỏe đã ổn, dẫn đến nguy cơ mắc lao kháng thuốc rất cao. Vì thế, tỷ lệ lao kháng thuốc, trẻ hóa lao đang có xu hướng gia tăng, làm cho công tác phòng, chống lao ngày càng thêm khó khăn và gian nan hơn.
Một trường hợp mắc lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. |
Để công tác phòng và điều trị bệnh lao tại cộng đồng đạt hiệu quả, thời gian tới Chương trình phòng chống lao của tỉnh sẽ tăng cường công tác giám sát đối với các tuyến nhằm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác chuyên môn; tích cực triển khai các hoạt động khám, phát hiện chủ động bệnh nhân tại cộng đồng để tư vấn, điều trị sớm cho người bệnh; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe đến người dân nhằm cung cấp những kiến thức trong việc dự phòng và điều trị bệnh lao có hiệu quả. Song, bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ cũng cho rằng, ngoài những hoạt động này thì quan trọng hơn cả là sự vào cuộc của cộng đồng, đồng hành với ngành y tế và người bệnh trong phòng chống bệnh lao.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc