Ea Súp đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh dại
Giữa mùa hè, thời điểm dễ bùng phát bệnh dại, đặc biệt với khí hậu khô, nóng của vùng biên thì nguy cơ càng cao hơn. Vì thế, huyện Ea Súp đã tăng cường công tác truyền thông để nâng cao sự cảnh giác của người dân đối với dịch bệnh này.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, xác định công tác phòng chống bệnh dại là việc đặc biệt quan trọng, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện; kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh, phân công các ngành thành viên Ban Chỉ đạo xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại. Đồng thời, Trung tâm cũng đã chỉ đạo cho các trạm y tế tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng chống bệnh dại.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng chống bệnh dại như phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, hệ thống loa phát thanh của các xã, thị trấn tuyên truyền đậm nét, cung cấp những thông tin về tình hình dịch bệnh, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như nhân dân trong phòng chống bệnh dại, những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phòng bệnh dại… để người dân chủ động nắm bắt, phòng ngừa; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên y tế tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến tận hộ gia đình. Ông Đoàn Văn Hà, Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết: Quá trình truyền thông trực tiếp, chúng tôi đã tuyên truyền để người dân biết tính chất nguy hiểm của bệnh dại; vận động người dân quản lý đàn chó nuôi, thực hiện tiêm phòng dại cho đàn chó, nuôi chó không thả rông hoặc phải rọ mõm khi thả rông. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách xử lý vết thương khi bị chó cắn như rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng đặc trong vòng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn, trong lúc rửa, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Sau khi vệ sinh vết thương nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng bằng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không tự chữa bằng thuốc nam tại nhà.
Cán bộ Trạm Y tế xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) hướng dẫn người dân cách xử lý vết thương khi bị chó cắn. |
Cùng với hoạt động tuyên truyền, vận động, Trung tâm Y tế và Trạm Thú y huyện còn chủ động chỉ đạo các trạm y tế, đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn và thú y viên nắm bắt số ca phơi nhiễm nghi dại, vận động người bị chó cắn đến các cơ sở tiêm vắc xin phòng dại, cũng như tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó nuôi. Nhờ vậy, ý thức phòng chống bệnh dại và quản lý đàn chó nuôi của người dân trên địa bàn đã nâng cao, người bị chó cắn đã chủ động thông báo với y tế cơ sở và đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Chị Nguyễn Thị Liễu, người dân thôn 7, xã Cư M’lan chia sẻ: “Thời gian gần đây, thông qua tuyên truyền của cán bộ y tế và thông tin trên loa đài, tôi đã biết được sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp để phòng chống. Vì thế, gia đình tôi đã tiêm phòng dại cho chó đầy đủ và dặn các con khi vui chơi phải cẩn thận không để chó cắn, hay khi bị cắn không được giấu giếm mà phải nói với bố mẹ để đưa đi tiêm phòng”. Cũng bởi người dân đã nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống bệnh dại mà trong 6 tháng đầu năm toàn huyện đã có 167 trường hợp bị chó mèo cào, cắn đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại. Tất cả các trường hợp đều tiêm trong vòng 10 ngày sau khi bị cào cắn.
Có thể thấy, dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng với sự vào cuộc, chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành chức năng, nhận thức của người dân về bệnh dại đã được nâng lên đáng kể. Đây chính yếu tố góp phần giúp cho tình hình bệnh dại trên địa bàn huyện Ea Súp vẫn được kiểm soát.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc