Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Cư Klông

07:53, 28/07/2018

Cư Klông là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Năng, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đi đôi với sự nghèo nàn về kinh tế là sự hạn chế trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi nơi đây luôn thuộc nhóm cao nhất của huyện Krông Năng.

Nằm cách trung tâm huyện Krông Năng chỉ khoảng 30 km nhưng Cư Klông như là một xã biệt lập vì giao thông đi lại rất khó khăn, đường sá nhiều ổ voi, ổ gà, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 28%, cao nhất huyện Krông Năng. Theo chị Phương Thị Uyên, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng Trạm Y tế xã Cư Klông, thiếu kiến thức và khó khăn về kinh tế là trở ngại lớn nhất trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em nơi đây. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn của trẻ rất nghèo nàn. Và quan trọng nhất là rất nhiều bà mẹ không biết cách chế biến một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm sẵn có trong gia đình. Như chị N.T.T (thôn Tam Hợp) thường nấu ăn cho con theo cảm tính, nhà có thức ăn gì thì cho con ăn nấy, đôi khi người lớn ăn gì thì trẻ con cũng ăn vậy chứ không có chế độ riêng. Vì vậy, cả hai đứa con của chị (đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ gần 2 tuổi) đều có cân nặng và chiều cao không đạt chuẩn.

Một trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng ở xã Cư Klông (huyện Krông Năng).
Một trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng ở xã Cư Klông (huyện Krông Năng).

Bên cạnh sự nghèo nàn, thiếu thốn thì nhận thức hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình dù điều kiện kinh tế không khó khăn vẫn để trẻ bị suy dinh dưỡng. Đơn cử như chị N.T.N (thôn Tam Bình) dù thuộc diện khá giả vẫn có con gái đầu lòng bị suy dinh dưỡng nặng nhiều năm nay. Bé 4 tuổi, gầy và thấp hơn nhiều so với các trẻ cùng trang lứa. Chị N. không biết nguyên nhân con mình bị suy dinh dưỡng mà cho rằng lý do là con quá kén ăn. Gia đình cũng đã đưa con đi khám nhiều bệnh viện, từ tuyến tỉnh đến tuyến trung ương nhưng tình hình không cải thiện.

Xã Cư Klông có tỷ lệ người dân tộc thiểu số khá cao, gần 40%. Theo phong tục của nhiều dân tộc, các bà mẹ cai sữa cho con trước 18 tháng tuổi và cho ăn dặm từ tháng thứ tư. Không được bú sữa mẹ đủ thời gian ảnh hưởng đã rất lớn đến sự phát triển thể chất của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao. Để cải thiện điều này, Trạm Y tế xã Cư Klông thường tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách và cách chế biến những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng trong những buổi tiêm chủng tại trạm. Cộng tác viên y tế cũng thường xuyên thăm hộ gia đình để nhắc nhở các bà mẹ về vấn đề dinh dưỡng nhưng cũng không mấy hiệu quả. Một bất cập nữa là từ nhiều năm nay, việc tổ chức hoạt động hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tại cộng đồng cho các bà mẹ không thể thực hiện vì thiếu kinh phí.

Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Cư Klông, từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của xã luôn ở mức cao. Năm 2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của xã là 18,04%, cao nhất trong tổng số 13 xã, thị trấn của huyện; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi là 17,14%, cao thứ tư trong huyện.

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.