Multimedia Đọc Báo in

Nhà vệ sinh bệnh viện: "Chuyện nhỏ" mà không nhỏ (Kỳ 1)

09:18, 16/07/2018

Nhà vệ sinh (NVS) trong bệnh viện đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc và điều trị người bệnh. Song trên thực tế, tại các bệnh viện công lập trên địa bàn, NVS luôn chỉ là vấn đề phụ, chưa được quan tâm đúng mức.

Kỳ 1: Nhếch nhác… nhà vệ sinh bệnh viện

Nhà vệ sinh (NVS) bệnh viện không bảo đảm vệ sinh không chỉ là nỗi sợ đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân mà còn là nguy cơ lây nhiễm bệnh trong môi trường bệnh viện – nơi tập trung rất nhiều loại vi trùng, vi khuẩn.  

Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh mỗi ngày có từ 120-130 bệnh nhân nằm điều trị, thậm chí lúc cao điểm lên đến 150 bệnh nhân. Thế nhưng, cả Khoa chỉ có 1 NVS dành cho người bệnh và người nhà bệnh nhân nên lúc nào cũng ở trong tình trạng “quá tải”. Trong NVS, các bệ xí đều đã ngả màu ố vàng, cáu bẩn, các thiết bị khác như bồn rửa tay, xà phòng, khăn lau tay, giấy vệ sinh… đều không có. Người ra vào NVS đều phải đeo khẩu trang, nín thở vì mùi hôi nồng nặc. Thậm chí, mùi “đặc trưng” của NVS còn tỏa ra cả bên ngoài hành lang làm ảnh hưởng đến người bệnh đang nằm điều trị ở khu vực này.

Chị H’Chem Bkrông (buôn A Lê B, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, chồng chị vào điều trị tại đây đã được mấy ngày rồi, nhưng vì bệnh nhân quá đông không đủ giường bệnh nên phải nằm điều trị trên băng ca ngoài hành lang. Chỗ chồng chị nằm ngay cạnh NVS nên phải “hứng” toàn bộ mùi hôi hắt ra từ NVS, rất khó chịu. Còn anh Bùi Văn Tiến (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), người nhà của một bệnh nhân khác chia sẻ, người sử dụng NVS thì nhiều, thậm chí có người sử dụng xong chẳng thèm dội nước, mà cũng chẳng mấy khi thấy có người dọn vệ sinh nên lúc nào NVS cũng bẩn. Thật sự, ở đây cả ngày, nhưng chỉ khi nhịn không nổi nữa  mới “nhắm mắt” bước vào NVS.

Nhà vệ sinh của bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chật chội  với những trang thiết bị tạm bợ, thiếu thốn.
Nhà vệ sinh của bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chật chội với những trang thiết bị tạm bợ, thiếu thốn.

Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, chỉ tiêu giường bệnh khoa được giao chỉ có 75 giường, nhưng mỗi ngày lượng bệnh nhân nằm điều trị đều nhiều gấp đôi, trong khi cơ sở vật chất của Khoa hết sức chật hẹp nên phải tận dụng tất cả không gian trống để bố trí chỗ cho người bệnh nằm điều trị. Chính vì sự quá tải bệnh nhân kéo dài kéo theo nhiều vấn đề khác cũng quá tải, trong đó có NVS. Rất nhiều người bệnh bức xúc về NVS, Khoa cũng đã ghi nhận và phản ánh lên Ban lãnh đạo bệnh viện để tìm cách giải quyết. Song hiện tại, cơ sở chật chội không còn chỗ để cơi nới thêm, vì thế cán bộ, y bác sĩ trong Khoa chỉ còn cách tuyên truyền, vận động người bệnh và người nhà bệnh nhân chia sẻ khó khăn và có ý thức hơn khi sử dụng NVS.

Tại BVĐK huyện Cư M’gar, NVS của Khoa Nội - Nhi - Nhiễm tuy không “nặng mùi”, nhưng cũng khá chật chội, xuống cấp và thiếu các trang thiết bị: giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay, khăn lau tay. Đã vậy, việc vệ sinh của hàng chục bệnh nhi và thân nhân người bệnh trong cả một tầng nhà từ tắm rửa, giặt giũ đến đại, tiểu tiện chỉ diễn ra trong một NVS không quá 5 m2, một NVS ngay bên cạnh thì được khóa im lìm với thông báo hỏng.

Còn tại khu NVS công cộng nằm bên ngoài khuôn viên các khoa, phòng ở bệnh viện này, mặc dù được treo bảng giá 3.000 đồng cho một lần “đi nặng” và 2.000 đồng cho một lần “đi nhẹ”, nhưng tình cảnh cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Cái khác của khu NVS này là được chia thành nhiều phòng nhỏ để nhiều người có thể cùng sử dụng, còn những trang bị khác cũng ở trong tình trạng “4 không” – không giấy vệ sinh, không bồn rửa, không xà phòng, không khăn lau tay. Theo lý giải của một cán bộ bệnh viện thì, bảng giá thu tiền chỉ áp dụng trong thời điểm trước đây khi bệnh viện cho tư nhân đấu thầu quản lý, dọn dẹp NVS, còn hiện tại NVS này không thu phí. 

Khu vệ sinh của Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn ở trong tình trạng lênh láng nước và “nặng mùi”.
Khu vệ sinh của Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn ở trong tình trạng lênh láng nước và “nặng mùi”.

Không chỉ riêng BVĐK tỉnh và BVĐK huyện Cư M’gar, tại hầu hết bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh đều dễ dàng bắt gặp các khu vực vệ sinh dành cho bệnh nhân và các khu vệ sinh chung còn rất bẩn. Tình trạng “thiếu đủ thứ”, nặng mùi, ứ đọng nước, hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa, xử lý kịp thời và tồn đọng theo thời gian gây ra bầu không khí ô nhiễm. Đáng lo ngại hơn, NVS bệnh viện được đánh giá là môi trường ẩn nấp và lây truyền của hơn 200 loại vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm, hô hấp, tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn, chân tay miệng... Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân vì sợ bẩn thường cố gắng “nhịn” đi vệ sinh, việc này  dễ gây căng bàng quang, ứ đọng nước tiểu, làm gia tăng nhiễm khuẩn đường tiết niệu và tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Có thể thấy, NVS “bẩn” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, người bệnh và người nhà bệnh nhân, thậm chí cả y bác sĩ cũng có thể bị nhiễm bệnh từ những “ổ dịch” tiềm ẩn trong NVS. Từ đó, dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng thời gian điều trị cho người bệnh, tăng chi phí… ảnh hưởng chất lượng điều trị của bệnh viện.

Công bố của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về kết quả khảo sát thí điểm sự hài lòng của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện tại 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước mới đây cho thấy, người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc và kém hài lòng nhất với NVS bệnh viện.


(còn nữa)

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.