Multimedia Đọc Báo in

Nhà vệ sinh bệnh viện: "Chuyện nhỏ" mà không nhỏ (Kỳ 2)

08:58, 17/07/2018

[links(left)]

Kỳ 2: Vì đâu nên nỗi ?!

Nhà vệ sinh (NVS) bệnh viện bẩn là một trong hai vấn đề được bệnh nhân phàn nàn nhiều nhất khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện công. Song, để xảy ra tình trạng NVS bẩn, ngoài những khó khăn từ phía cơ sở y tế, còn do sự thiếu ý thức của nhiều người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Quá ít nhà vệ sinh

Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 365:2007 về bệnh viện đa khoa của Bộ Xây dựng quy định cụ thể các thiết bị vệ sinh cần có như: chậu rửa, bệ xí, bệ tiểu đối với phòng khám và các khoa, phòng chuyên môn điều trị. Phòng khám được quy định theo số lần đến khám trong ngày, còn các khoa, phòng điều trị quy định chung là cứ 2 phòng có 1 bệ xí, 1 bệ tiểu và 1 bệ giặt hoặc cứ 15 người có 1 chỗ tắm, 1 bệ xí, 1 bệ tiểu và 1 bệ giặt. NVS phải bố trí khu vực dành cho nam riêng, dành cho nữ riêng, với diện tích trung bình từ 9-12 m2. Còn theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, cứ 7-11 giường bệnh phải có 1 NVS đảm bảo các yêu cầu: có giấy vệ sinh, bồn rửa tay, xà phòng (hoặc nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn), có gương và không có mùi. Xét theo các tiêu chuẩn này thì NVS của tất cả các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh đều không đạt yêu cầu.

Cả một tầng lầu với gần 100 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của Khoa Nội - Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar chỉ có 1 nhà vệ sinh gồm 2 buồng chật chội.
Cả một tầng lầu với gần 100 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của Khoa Nội - Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar chỉ có 1 nhà vệ sinh gồm 2 buồng chật chội.

Thực tế quan sát tại một số bệnh viện trong tỉnh nhận thấy, chưa bàn đến chất lượng, chỉ tính riêng về số lượng, các NVS bệnh viện “quá tải” so với số lượng người bệnh và người nhà bệnh nhân đến thăm khám, điều trị và chăm bệnh mỗi ngày. Hiện nay, các bệnh viện bố trí NVS phục vụ bệnh nhân mới chỉ tính trên số giường bệnh mà không tính đến trường hợp bệnh viện quá tải bệnh nhân và phục vụ người nhà bệnh nhân. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình có chỉ tiêu 75 giường bệnh, số giường thực kê lên đến trên 100 giường (chưa kể băng ca) nhưng chỉ có duy nhất 1 NVS bệnh nhân với khoảng 10 m2. Còn tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc dù có đỡ hơn, nhưng gần 40 giường bệnh cũng chỉ có 2 NVS chật hẹp. Những khoa khác của bệnh viện này cũng ở trong tình trạng tương tự.

Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, mới đây Sở Y tế đã tiến hành khảo sát thực trạng quản lý, sử dụng NVS tại 18 bệnh viện và 7 trung tâm y tế trên địa bàn. Kết quả cho thấy, với tổng số 5.037 giường bệnh đã có 1.291 NVS, đạt trung bình 3,9 giường bệnh có 1 NVS, phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thống kê này chưa tính đến trường hợp bệnh viện có lượng người bệnh quá tải và NVS phải phục vụ người nhà người bệnh hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. 

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Y Bliu Ayun, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho rằng, nhiều bệnh nhân và người nhà đi chăm bệnh đã có phản ánh về NVS bệnh viện ít và chưa sạch, bệnh viện luôn ghi nhận và cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là cơ sở hạ tầng của bệnh viện đã xuống cấp trầm trọng, cộng với tình trạng quá tải bệnh nhân diễn ra liên tục dẫn đến các NVS của bệnh viện cũng quá tải theo. Muốn sửa chữa, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị cho các NVS thì phải có kinh phí, trong khi đó hiện tại kinh phí của bệnh viện rất eo hẹp nên vẫn ưu tiên tập trung đầu tư cho chuyên môn là trước nhất. Đối với công tác bảo đảm vệ sinh tại các NVS, trước đây bệnh viện có thuê một bộ phận làm công tác này, nhưng hoạt động không hiệu quả. Sau đó, Ban lãnh đạo bệnh viện có họp và thống nhất giao việc vệ sinh NVS cho hộ lý các khoa. Tuy nhiên, công việc của hộ lý tương đối nhiều, nên công tác này chưa được bảo đảm, chưa đáp ứng được yêu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Cũng có chung quan điểm này, bác sĩ Bùi Nam Ơn, Giám đốc BVĐK huyện Cư M’gar cho biết, để làm tốt công tác vệ sinh bệnh viện, hướng tới chỉ đạo của Bộ Y tế về xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, đơn vị đã xây dựng phương án cải tạo lại NVS để đáp ứng các yếu tố: sạch, không có mùi, khô ráo phục vụ người bệnh. Đến thời điểm này, phương án đã xây dựng xong, nhưng bệnh viện đang phải cân đối nguồn kinh phí để thực hiện.

Bẩn vì sự thiếu ý thức

Nhà vệ sinh thiếu trang thiết bị, bẩn và nặng mùi là một thực tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện công. Ngoài nguyên nhân quá tải  thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến NVS bẩn là do sự thiếu ý thức của chính người sử dụng.

Có “thâm nhập” NVS bệnh viện mới hiểu nỗi khổ của các cơ sở y tế khi phải phục vụ chuyện “giải quyết nỗi buồn” cho các “thượng đế”. Tại một NVS nằm bên cạnh Khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh, mặc dù đã được dán giấy nhắc nhở “Nhớ dội nước sau khi sử dụng”, nhưng một vài người sau khi bịt mũi vào “đi nhẹ” thì điềm nhiên mở cửa đi ra và để nguyên hiện trạng, xem việc dội nước không liên quan đến mình. Tại một NVS khác, người bệnh, người nhà bệnh nhân lại thường xuyên dội nước lênh láng ra sàn, vứt giấy lau bừa bãi ngay bên cạnh thùng rác. Chia sẻ nỗi khổ này, một hộ lý đang tranh thủ dọn vệ sinh tại đây cho biết, trong kíp trực chị không có phút nào ngơi tay. Bệnh nhân thì đông, NVS thì chật chội, vừa dọn vệ sinh xong chỉ một lúc sau lại bẩn và “bốc mùi” như cũ. Nhiều người vào NVS bệnh viện, xem là NVS công cộng có người dọn rửa nên không hề có ý thức giữ gìn, thậm chí một số người “đi nặng” xong cũng không chịu dội nước. Người sau vào thấy vậy thì la lối rồi chạy ra, chứ cũng chẳng có ai chịu dội nước. Rồi có trường hợp thì xả rác không tiêu xuống bồn cầu dẫn đến tắc nghẽn phải tìm thợ sửa chữa...

Rõ ràng, trong bối cảnh NVS quá tải, nhân lực dọn dẹp vệ sinh chủ yếu kiêm nhiệm, thì sự thiếu ý thức của người bệnh và người nhà bệnh nhân càng làm cho tình trạng bừa bộn, “nặng mùi” của NVS tại các bệnh viện trở nên trầm trọng hơn.

(Còn nữa)

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc