Nhà vệ sinh bệnh viện: "Chuyện nhỏ" mà không nhỏ (Kỳ cuối)
[links()]
Kỳ cuối: Cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện: Cần những động thái tích cực hơn(*)
Cải thiện hình ảnh nhà vệ sinh (NVS) là gián tiếp thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo bệnh viện trong nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Song, để NVS không còn là nỗi ái ngại của người bệnh khi bước chân vào bệnh viện công, các bệnh viện cần phải có những động thái tích cực hơn.
Nhận định về tình trạng chung của NVS tại các bệnh viện công lập trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Thành cho rằng, tình trạng NVS xuống cấp, không đạt vệ sinh, thiếu trang thiết bị xảy ra ở các bệnh viện lâu nay là do các công trình vệ sinh được xây dựng đã lâu nên thiết kế không phù hợp, bị xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, quỹ đất xây dựng lại thiếu gây khó khăn cho việc xây dựng thêm các NVS công cộng, NVS cho người khuyết tật; các đơn vị thiếu kinh phí để đầu tư nâng cấp, cung cấp trang bị thiết yếu (giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay, khăn lau tay) cho người bệnh và người nhà bệnh nhân sử dụng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng đó là ý thức của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong việc sử dụng NVS còn thấp. Bởi tại nhiều đơn vị đã từng xảy ra tình trạng người bệnh và người nhà bệnh nhân lấy cắp giấy vệ sinh và nước rửa tay của bệnh viện để làm việc riêng; bỏ giấy, thức ăn, vật dụng không tiêu vào bồn cầu gây tắc nghẽn... Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới ngành Y tế sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc sử dụng NVS tại các đơn vị, bảo đảm NVS hoạt động tốt và phục vụ đầy đủ nhu cầu của người bệnh; tiếp tục truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức cho người bệnh và người nhà của họ trong việc sử dụng và bảo vệ các công trình vệ sinh.
Nhà vệ sinh công cộng thu phí của Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar dán bảng hướng dẫn cách rửa tay đúng cách, nhưng không có xà phòng, khăn lau cho người bệnh và người nhà của họ sử dụng. |
Tuy nhiên, nếu xét về bản chất thì việc giữ gìn NVS sạch sẽ thuộc về cung cách quản lý chứ chưa hẳn thuộc về vấn đề kinh phí. Một nhà vệ sinh cũ, thiếu trang thiết bị, nhưng thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ, khô ráo, thơm tho ắt vẫn được người bệnh và người nhà của họ chấp nhận. Và khi tài sản dù có cũ, thiếu thốn, nhưng được chủ sở hữu “nâng niu”, thì người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng sẽ vì thế mà tự giác nâng cao ý thức bảo quản trong quá trình sử dụng. Ngược lại, nếu NVS luôn ở trong tình trạng bẩn và nặng mùi, thì bất cứ ai bước vào cũng sẽ nhanh chóng để đi ra, mọi việc khác cũng chỉ qua loa cho xong chuyện.
Nhìn nhận trên thực tế, tại các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh, NVS tuy được đầu tư bài bản hơn so với bệnh viện công, nhưng cách bảo quản, giữ gìn để NVS luôn đạt vệ sinh thì không khác với bệnh viện công là mấy. Bởi, tại những nơi này công tác dọn dẹp, vệ sinh đối với NVS cũng được giao cho hộ lý của các khoa, phòng đảm nhiệm, không thuê người lau dọn, cũng không thu phí sử dụng. Còn người sử dụng đương nhiên cũng là người bệnh cùng người nhà của họ. Vậy, “bí quyết” để các NVS ở đây luôn sạch sẽ, nhận được sự hài lòng của người bệnh phải chăng là do sự khác biệt trong cách quản lý, làm việc của đội ngũ những người có trách nhiệm?.
Rõ ràng, chuyện NVS với những ai cho là nhỏ thì nó là nhỏ, nhưng thực tế đó lại là nơi mà nhiều người ra vào bệnh viện không thể không bước tới. Giữ cho một cái NVS sạch sẽ có lẽ sẽ không có gì quá khó khăn, tốn kém quá nhiều tiền và chắc hẳn không “bất khả thi” đến nỗi phải nhắc đi nhắc lại từ năm này qua năm khác. Được biết, tới đây, trong quá trình kiểm tra, chấm điểm chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế sẽ coi tiêu chí NVS là tiêu chí quan trọng trong xếp loại chất lượng bệnh viện, nếu NVS xếp loại yếu kém thì chất lượng bệnh viện cũng bị hạ thấp theo. Liệu đây là động lực để các bệnh viện thay đổi cách nhìn, tư duy về NVS phục vụ bệnh nhân - nơi từng được xem là công trình phụ?.
Trong Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT, ngày 3-12-2013 của Bộ Y tế) có quy định “Người bệnh được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện” với 5 bậc thang chất lượng, trong đó bậc thấp nhất gồm: Nhà vệ sinh không sạch sẽ (có nước đọng, rác bẩn, mùi khó chịu, hôi thối); Khoa lâm sàng, cận lâm sàng không có khu vệ sinh riêng; không đạt tiêu chí mỗi khoa lâm sàng và cận lâm sàng có ít nhất 1 khu vệ sinh và có ít nhất 1 buồng vệ sinh cho 30 giường bệnh (tính riêng theo từng khoa). |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc