Những lưu ý về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ người sang người qua vết đốt của muỗi vằn (tên khoa học là muỗi Aedes Aegypti).
Đây là căn bệnh nguy hiểm vì hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Ở trẻ em, việc phòng và điều trị bệnh SXH khó khăn hơn ở người lớn, dễ xảy ra các biến chứng nếu bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận điều trị cho gần 90 bệnh nhi SXH, trong đó có 6 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết, bệnh nhi SXH xuất hiện rải rác từ đầu năm nhưng bắt đầu tăng nhanh từ tháng 6, vì đây là giai đoạn mùa mưa và cũng là thời điểm bệnh SXH dễ bùng phát.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh, khi thấy trẻ sốt, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị, vì nhiều trường hợp tự chữa bệnh cho con mà không có sự tư vấn, hướng dẫn của thầy thuốc đã khiến bệnh trở nặng, nguy cơ tử vong cao. |
Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh SXH nhưng thường gặp nhất là trẻ từ 6 - 15 tuổi, bởi ở lứa tuổi này trẻ thường hiếu động, thích tự khám phá môi trường xung quanh nên dễ bị muỗi đốt. Song, đối tượng dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm nhất lại là trẻ nhỏ chưa biết nói vì trẻ chưa thể nói những triệu chứng bệnh cho cha mẹ biết. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn các biểu hiện của bệnh SXH với bệnh sốt thường, sốt vi rút hay sốt phát ban nên dễ dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng, nhiều trường hợp biến chứng, đe dọa tính mạng của trẻ.
Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo, để chẩn đoán một đứa trẻ có bị mắc bệnh SXH hay không, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điểm sau: Trước tiên, cần chú ý đến yếu tố dịch tễ, tức là thời điểm dễ mắc bệnh sốt xuất huyết, thường từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm và xác định khu vực nơi mình sinh sống đã có người mắc bệnh SXH hay chưa. Tiếp đến là triệu chứng của bệnh: trẻ sốt cao đột ngột, liên tục từ 3 ngày trở lên, kèm theo đau đầu dữ dội, nhức mỏi toàn thân, nhức hai hốc mắt và hiếm khi có sổ mũi, ho. Đến ngày thứ ba, bệnh nhân có thể bị xuất huyết, biểu hiện là có những chấm xuất huyết trên da hoặc chảy máu mũi, chảy máu chân răng. Khi đã xác định có những yếu tố này, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng bệnh SXH hiệu quả nhất hiện nay là diệt muỗi và tránh muỗi đốt. Cần thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, hạn chế nơi trú ngụ của muỗi; mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi cho trẻ; cho trẻ ngủ màn mọi lúc, mọi nơi. Đối với trẻ lớn, cần hướng dẫn trẻ cách tránh muỗi đốt, tránh chơi ở chỗ tối, những nơi ẩm thấp. Vận động các thành viên trong gia đình và cộng đồng tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách loại bỏ các dụng cụ phế thải có chứa nước; che chắn kín những dụng cụ chứa nước sinh hoạt, không cho muỗi đẻ trứng.
Thu Huế - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc