Multimedia Đọc Báo in

Đừng để phụ nữ và trẻ em lãnh hậu quả từ khói thuốc lá

08:19, 11/08/2018

Hút thuốc lá, thuốc lào từ lâu đã trở thành thói quen khó từ bỏ của nhiều người, nhất là nam giới. Điều đáng nói là thói quen này không chỉ làm hại đến sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe những người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Thường xuyên hít phải khói thuốc lá, phụ nữ có thai có thể bị sảy thai, sinh non; trẻ em dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, thậm chí đột tử ở trẻ sơ sinh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 2/3 phụ nữ và trẻ em Việt Nam thường xuyên phải hít khói thuốc lá tại nhà. Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá tại khu vực trong nhà và nơi công cộng nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra. Tại những nơi đông người, nhiều người hút thuốc vẫn vô tư nhả khói mà không biết rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhấn mạnh phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em là những đối tượng có sức đề kháng yếu nên khi tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại có trong khói thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ mắc ung thư bộ phận sinh dục. Đặc biệt, chất nicotine trong khói thuốc lá có thể tạo thành một lớp vỏ ngăn tinh trùng thụ tinh với trứng, gây vô sinh. Với phụ nữ mang thai, nicotine có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai và thai chết lưu, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Ở trẻ em, khả năng mắc các loại bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen… cũng cao hơn những trẻ không chịu ảnh hưởng từ khói thuốc lá. Trong đó, viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tại những nơi công cộng, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá trước mặt phụ nữ và trẻ em.
Tại những nơi công cộng, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá trước mặt phụ nữ và trẻ em.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn cũng cho biết trong nhiều năm qua, mặc dù tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe đã được tuyên truyền rất mạnh mẽ, song sự chuyển biến trong ý thức của người hút vẫn chưa nhiều. Đơn cử như trong môi trường bệnh viện, nơi bệnh nhân cần được bảo vệ sức khỏe, dù đã có quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn nhưng vẫn còn tình trạng hút thuốc trong khuôn viên, kể cả người chăm sóc trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường thực thi những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của người hút thuốc lá, bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn khuyên phụ nữ nên tự bảo vệ bản thân và con cháu mình khỏi ảnh hưởng của khói thuốc lá bằng cách: tránh xa người đang hút thuốc và có quyền yêu cầu những người xung quanh không hút thuốc khi có mặt mình; thay quần áo dính khói thuốc nhanh nhất có thể; đeo khẩu trang lọc khí, có thêm lớp lót than hoạt tính để ngăn mùi khói thuốc hiệu quả.

Tuy nhiên, để phụ nữ và trẻ em không phải lãnh hậu quả từ khói thuốc lá, những người hút thuốc, nếu chưa thể từ bỏ thì nên cố gắng có văn hóa, không để hành vi của mình làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Trong gia đình, nam giới, đặc biệt là những người ông, người chồng, người cha cần ý thức rõ tác hại của thuốc lá và bảo vệ những người phụ nữ, con cháu mình khỏi những nguy cơ bệnh tật mà khói thuốc gây ra.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.