Multimedia Đọc Báo in

Đừng chủ quan với bệnh uốn ván

13:27, 13/10/2018

Uốn ván là bệnh cấp tính do vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương. Đây là căn bệnh thường gặp, nhất là trong tai nạn giao thông hoặc đối với những người lao động chân tay dễ bị chấn thương. Bệnh uốn ván nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, đúng phác đồ, người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan và thiếu kiến thức về căn bệnh này.

Theo báo cáo của Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), trong 9 tháng năm 2018, khoa đã điều trị cho 30 trường hợp mắc bệnh uốn ván ở người lớn, tăng 4 ca so với cùng thời điểm năm 2017, trong đó có 1 trường hợp tử vong và 1 trường hợp phải chuyển tuyến Trung ương. Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, tình hình mắc bệnh uốn ván trên địa bàn tỉnh trong hai năm trở lại đây có chiều hướng tăng mạnh; đặc biệt, bệnh xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi. Như trường hợp ông Arin Gô (41 tuổi, ở xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) bị một vết thương ở đầu ngón chân cái do tai nạn giao thông. Thấy vết thương nhỏ, nghĩ rằng vài hôm sẽ tự khỏi nên ông Arin không quan tâm chữa trị. Khoảng 3 ngày sau, ông thấy cơ thể mệt mỏi, cứng hàm, khó mở miệng, khó ăn uống. Ông đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh uốn ván, phải nhập Khoa Truyền nhiễm để điều trị trong thời gian hai tuần.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm khám cho bệnh nhân uốn ván tại Khoa Truyền nhiễm  (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên).
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm khám cho bệnh nhân uốn ván tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên).

Vi trùng uốn ván tồn tại trong đất, cát dưới dạng nha bào. Khi một người bị một vết thương nào đó, nha bào uốn ván sẽ xâm nhập vào vết thương, tạo ra các ngoại độc tố đi vào máu, hệ thần kinh và gây ra bệnh uốn ván. Nếu vết thương đó bị bịt kín, thiếu oxy thì nha bào sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh uốn ván có 4 thể, gồm: uốn ván toàn thể, uốn ván sơ sinh, uốn ván cục bộ, uốn ván thể đầu; trong đó, uốn ván toàn thể là thường gặp nhất, tỷ lệ tử vong từ 4-20%. Còn uốn ván sơ sinh là thể bệnh để lại hậu quả nặng nề nhất với tỷ lệ tử vong chiếm đến 90%.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, người lớn mắc bệnh uốn ván chủ yếu là do sự chủ quan và thiếu kiến thức. Mọi người thường bỏ qua những vết thương nhỏ hoặc trầy xước trên da nhưng đây lại là ngõ vào của vi trùng uốn ván.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh uốn ván là cứng hàm, co cứng các cơ vùng mặt, cổ, đầu, bụng, lưng, kèm theo những cơn co giật. Trong hai ngày đầu thì bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không sốt. Lúc này, bệnh nhân cần được khẩn trương cấp cứu, điều trị theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số trường hợp, các dấu hiệu lâm sàng của bệnh uốn ván rất mơ hồ, khó chẩn đoán khiến bệnh nhân dễ tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Bác sĩ Phạm Hồng Lâm cho biết: “Hiện nay, việc điều trị bệnh uốn ván không thể thực hiện ở tuyến xã và tuyến huyện mà phải từ tuyến tỉnh trở lên. Do đó, ở tuyến dưới, khi tiếp nhận bệnh nhân, các thầy thuốc phải hết sức khẩn trương trong chẩn đoán để chuyển tuyến kịp thời, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là cứng hàm”.

Cũng theo bác sĩ Lâm, nhìn chung, việc điều trị bệnh uốn ván theo phác đồ của Bộ Y tế hiện nay rất hiệu quả. Khi đã xác định bệnh, bệnh nhân sẽ được trung hòa độc tố uốn ván trong máu bằng huyết thanh SAT và áp dụng các phương pháp chống co giật tích cực cùng những điều trị hỗ trợ như làm sạch vết thương, bù nước điện giải và cung cấp năng lượng bằng ăn uống. Hầu hết bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện sau từ 12-30 ngày điều trị.

Để phòng tránh bệnh uốn ván, cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván cho các đối tượng có nguy cơ cao như: phụ nữ mang thai, những người làm công tác thú y, người làm nông, lao động chân tay… Khi bị một vết thương nào đó, cần chú ý trong khâu vệ sinh, đầu tiên cần rửa vết thương bằng nước sạch và oxy già; nếu trước đây chưa được tiêm phòng vắc xin uốn ván đủ liều thì phải tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT). Sau khi xử trí, cần để vết thương hở, không được băng kín. Sau vài ngày, nếu thấy các dấu hiệu của bệnh uốn ván như kể trên, phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Lâm lưu ý thêm: “Đối với những trường hợp bị chó cắn, phải tiêm đồng thời huyết thanh SAT và vắc xin phòng bệnh dại; không uống quá nhiều bia rượu vì tỷ lệ tử vong do bệnh uốn ván ở những người nghiện rượu thường cao hơn những người bình thường”.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.