Phòng tránh tình trạng răng mọc lệch ở trẻ
Răng mọc lệch là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em. Răng mọc lệch không chỉ khiến sức ăn nhai, tiêu hóa của trẻ kém mà còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ trên gương mặt, khiến trẻ thiếu tự tin trong giao tiếp.
Tuy nhiên, tình trạng này có thể khắc phục được nếu các bậc cha mẹ quan tâm chăm sóc tốt răng miệng cho trẻ, kịp thời phát hiện răng mọc lệch để có hướng điều trị phù hợp.
Đều đặn hàng tuần, chị Nguyễn Thúy Ngân (ở phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đưa con trai 7 tuổi của mình là bé Hà Quang Huy đến phòng khám nha khoa để khám răng định kỳ theo lời dặn của nha sĩ. Răng của bé Huy có biểu hiện mọc lệch khi bắt đầu thay răng sữa nên các bác sĩ đã lắp hàm trainer - một dụng cụ tiền chỉnh nha được lắp vào cung răng với vai trò như một cái khuôn - cho cháu nhằm giúp định hình cho răng phát triển theo hướng tốt, tránh bị lệch. Chị Ngân cho biết lúc đầu khi đeo hàm trainer bé rất khó chịu, đặc biệt là hay xấu hổ mỗi khi đến trường nên chị chỉ cho bé đeo lúc ở nhà.
Theo bác sĩ Trần Văn Thông, Phó Trưởng khoa Y học lâm sàng (Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk), có khoảng từ 30 - 40% trẻ em bị răng mọc lệch. Đây là tình trạng răng vĩnh viễn mọc lên không đúng hàng, mọc vênh, xéo, mọc chen chúc, hô, móm. Răng mọc lệch khiến sức ăn nhai của trẻ kém, gây mất thẩm mỹ khuôn mặt; răng mọc chen chúc còn khiến cho thức ăn dễ giắt vào kẽ răng, gây sâu răng. Nguyên nhân chính (chiếm đến 70%) gây nên tình trạng răng mọc lệch là do di truyền; 30% còn lại là do các nguyên nhân khác như: trẻ phải nhổ răng sữa sớm, trẻ có thói quen mút ngón tay, hay đẩy lưỡi hoặc trẻ thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, phải thở bằng miệng…
Khám răng cho trẻ tại một phòng khám nha khoa ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo bác sĩ Thông cho biết, nếu do nguyên nhân di truyền thì việc điều trị có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quan tâm đến sức khỏe răng miệng của con, đặc biệt trong giai đoạn thay răng, phát hiện những biểu hiện bất thường ở răng và đi khám kịp thời thì việc điều chỉnh răng cho con sẽ đạt hiệu quả tốt. Tùy vào lứa tuổi của trẻ, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Có thể chia ra làm hai giai đoạn chính để điều trị răng mọc lệch là giai đoạn răng hỗn hợp (trên hàm tồn tại cả răng sữa và răng vĩnh viễn), thường từ 5 - 12 tuổi và giai đoạn răng vĩnh viễn đã mọc hoàn chỉnh, thường từ 12 - 15 tuổi. Ở giai đoạn răng hỗn hợp, nếu răng mọc lệch mức độ nhẹ, trẻ có thể được thực hiện các phương pháp tiền chỉnh nha như tháo lắp cung môi, sử dụng hàm trainer để định hình cho răng mọc đúng hàng. Đặc điểm của dụng cụ này là có thể tháo lắp khi có nhu cầu. Bác sĩ Trần Văn Thông cho biết nếu can thiệp sớm, kịp thời thì hiệu quả điều trị có thể đạt tới 90%. Thời gian điều trị thường từ 18 - 14 tháng, với điều kiện trẻ phải đeo thường xuyên. Ngược lại, nếu bố mẹ không quan tâm, trẻ đeo không đều thì hiệu quả đạt được không cao.
Ở giai đoạn răng vĩnh viễn đã mọc hoàn chỉnh, trẻ có thể được niềng răng để điều trị răng mọc lệch. Độ tuổi niềng răng tốt nhất là từ 12 - 15 tuổi. Trên độ tuổi này, răng cứng hơn thì thời gian niềng sẽ lâu hơn. Phương pháp này giúp dịch chuyển chân răng về vị trí mong muốn. Tuy nhiên đây là dụng cụ được gắn cố định trên hàm răng nên sẽ phần nào ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Bác sĩ Trần Văn Thông khuyến cáo, để phòng tránh tình trạng răng mọc lệch, cha mẹ cần quan tâm sức khỏe răng miệng của con ngay từ giai đoạn răng sữa, tránh tình trạng răng sữa bị sâu và phải nhổ sớm. Thường xuyên kiểm tra răng miệng của con, nhất là giai đoạn bắt đầu thay răng, vì lúc này xương hàm, xương khẩu và răng còn mềm nên nếu việc chỉnh răng sẽ dễ dàng hơn. Hạn chế những tật xấu của trẻ như mút tay, đẩy lưỡi. Khi trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, cần điều trị khỏi càng sớm càng tốt, tránh việc trẻ thường xuyên phải thở bằng miệng. Đặc biệt nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần để các nha sĩ kịp thời phát hiện tình trạng răng mọc lệch và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc