Trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng tăng cao
Những ngày này, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên có dấu hiệu tăng cao. Điều đáng nói, nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng nặng với biểu hiện sốt cao, co giật, nôn ói.
Thấy con trai 22 tháng tuổi sốt cao, hay giật mình, quấy khóc, bỏ ăn, nổi mụn nước quanh miệng, chị Võ Thị Vân Anh (ở thôn 4, xã Yang Réh, huyện Krông Bông) liền đưa con lên BVĐK vùng Tây Nguyên khám bệnh. Bé được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh TCM độ 2 và chỉ định nhập vào Khoa Nhi tổng hợp để điều trị. Chị Vân Anh cho biết: “Con tôi mới đi nhà trẻ được vài ngày thì phát sốt và biếng ăn. Cứ nghĩ do con thay đổi môi trường mới chưa quen nên bị ốm, tôi cho con nghỉ học để đi khám bệnh ở phòng khám tư. Khi nghe bác sĩ nói cháu bị bệnh TCM tôi lo lắm, bởi đây là lần thứ 2 cháu mắc bệnh. Ở nhà uống thuốc vài ngày không thấy cháu hạ sốt, các mụn nước quanh miệng lại nhiều hơn, tôi đành đưa con lên BV tuyến tỉnh điều trị”.
Một trẻ mắc bệnh TCM điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên. |
Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 512 trường hợp mắc TCM, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong 3 tuần gần đây số ca bệnh tăng đột biến với khoảng 200 ca xuất hiện tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. |
Tương tự, bé Y Đăng Ayun (23 tháng tuổi, ở buôn Ea Nông A, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) cũng nhập viện tại Khoa Nhi tổng hợp (BVĐK vùng Tây Nguyên) sau khi bác sĩ thăm khám chẩn đoán mắc bệnh TCM. Theo chị H’Ma Ry Ayun (mẹ bé Y Đăng) thì trước đó 3 ngày, cháu bỗng nhiên sốt cao trên 39oC, dù đã được chườm mát liên tục và uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ nên đưa đến BVĐK huyện Krông Pắc khám bệnh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh TCM thể nặng và làm thủ tục chuyển cháu lên tuyến trên điều trị.
Thống kê của Khoa Nhi tổng hợp cho thấy, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 451 trường hợp mắc bệnh TCM, lượng bệnh xuất hiện rải đều trong các tháng. Đáng chú ý, từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ mắc TCM nhập viện điều trị tăng cao bất thường với khoảng 150 trường hợp, gần bằng 1/3 số trẻ mắc bệnh trong 8 tháng trước đó. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 5 - 10 bệnh nhân mắc mới TCM. Hiện tại khoa đang có 45 trẻ mắc TCM điều trị nội trú và đa phần các bệnh nhi vào viện đều từ độ 2A trở lên với các triệu chứng sốt cao, tay chân run, nôn ói, giật mình hoặc quấy khóc không dỗ được… Đây là những trường hợp có khả năng dẫn tới biến chứng nặng, vì vậy, các y bác sĩ luôn phải thường xuyên thăm khám, theo dõi tình trạng bệnh.
Nhân viên ngành Y tế phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh TCM cho phụ huynh học sinh. |
Theo dự báo của ngành chức năng, trong những ngày tới đây bệnh TCM nguy cơ tăng cao và lan rộng. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, hiện BVĐK vùng Tây Nguyên đang lên kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật lực để ứng phó phòng ngừa đợt tăng bệnh, cả về số lượng bệnh nhân cũng như độ nặng của bệnh. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh TCM đa phần đều được điều trị tại nhà, những trường hợp theo dõi diễn biến nặng mới cần nhập viện. Do đó, khi thấy con có dấu hiệu mắc bệnh TCM với triệu chứng là sốt, kèm theo nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và phân loại bệnh. Trường hợp trẻ được phân loại điều trị tại nhà, cha mẹ cần nhớ kỹ khi thấy các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh như: sốt cao liên tục khó hạ, quấy khóc không dỗ được, giật mình nhiều, nôn ói nhiều, run chân, đi đứng không vững… phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc