"Cứu cánh" cho người nhiễm HIV
Việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc do Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, bắt đầu từ 1-1-2019 được xem là “cứu cánh” để người nhiễm HIV tiếp tục điều trị khi không còn nguồn tài trợ quốc tế. Song, để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT vẫn còn không ít khó khăn.
Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV
Năm 2008, chị B.T.H. (33 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu tiếp cận với việc điều trị kháng vi rút HIV bằng thuốc ARV. Gần 10 năm qua, chị luôn duy trì việc uống thuốc và tái khám đều đặn hằng tháng. Chị H. cho biết: "Tôi bị nhiễm HIV từ bạn trai lúc mới 19 tuổi. Khi biết mình nhiễm HIV, tôi hoàn toàn suy sụp, sụt cân nghiêm trọng, cơ thể ốm yếu và đối diện với nhiều bệnh nội khoa. Nhờ được các bác sĩ ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn, tôi đã lựa chọn điều trị bệnh bằng thuốc ARV, hiện tại sức khỏe khá ổn định, vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Nhờ vậy, tôi không còn bi quan như trước nữa và cũng tự tin hòa nhập với cộng đồng".
ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của vi rút HIV trong cơ thể người bệnh. Ở Việt Nam, thuốc ARV được áp dụng từ năm 2004 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS. Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; đồng thời giúp giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị cũng như dự phòng. Đặc biệt, khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục học tập và lao động.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. |
Bác sĩ Chu Đức Thảo, Trưởng Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh có 591 bệnh nhân tham gia điều trị ARV ở 3 cơ sở đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. Hầu hết các bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị đều duy trì sức khỏe ổn định, giảm nguy cơ tử vong do các nhiễm trùng cơ hội và các bệnh liên quan đến AIDS.
Khó đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT
Không thể phủ nhận lợi ích to lớn của thuốc ARV đối với người nhiễm HIV, song trong bối cảnh thuốc kháng vi-rút ARV không còn được tài trợ như trước (khoảng 95% nguồn thuốc ARV do các tổ chức quốc tế tài trợ) thì khó đảm bảo cho người nhiễm HIV duy trì điều trị đều đặn khi phần lớn trong số họ có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện tự chi trả chi phí điều trị. Bởi hiện tại chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc ARV theo phác đồ 1 của một bệnh nhân HIV là khoảng 4 triệu đồng/người/năm, còn điều trị theo phác đồ 2 (bệnh nhân kháng thuốc) cao gấp khoảng 7-8 lần.
Theo lộ trình từ ngày 1-1-2019, Quỹ BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các dịch vụ điều trị HIV/AIDS và thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Quy định này đã mở ra cơ hội được chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, để tất cả người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT vẫn là một vấn đề không đơn giản.
Thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho thấy, trong số 591 bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV nói trên thì có 449 người có thẻ BHYT (chiếm tỷ lệ 75%). 142 trường hợp không có thẻ BHYT còn lại chủ yếu rơi vào các đối tượng: không có thu nhập ổn định hoặc không đủ khả năng mua thẻ BHYT, nhất là khi phải mua theo hộ gia đình; người bệnh không có giấy tờ tùy thân; người bệnh từ tỉnh khác đến.
Để hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT vào năm 2020, thời gian qua, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động giúp người bệnh nhận thức đúng về lợi ích của BHYT, từ đó chủ động tham gia. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã lập danh sách các bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV chưa có thẻ BHYT để tham mưu cho Sở Y tế làm tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí cấp thẻ BHYT theo Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính xem xét nguồn kinh phí để hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho số đối tượng này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc xác định họ có thuộc diện được cấp thẻ BHYT hay không vẫn chưa hoàn tất, nhất là với những đối tượng không có giấy tờ tùy thân, không xác định được địa chỉ cụ thể. Đây là mấu chốt dẫn đến kinh phí chưa được cấp khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời điểm thuốc ARV được BHYT chi trả.
Theo phân tích của bác sĩ Chu Đức Thảo, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV, nhất là khi người bệnh phải mua thuốc bên ngoài (các cơ sở điều trị của tỉnh chỉ điều trị đối với bệnh nhân có BHYT) sẽ chịu mức phí rất cao, khoảng 1,5 triệu đồng/lọ dùng trong một tháng. Trong trường hợp người bệnh gặp khó khăn về tài chính sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ điều trị.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc