Để Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) được ban hành ngày 2-7-2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để tăng cường hoạt động PCTHTL.
Ngày 22-12-2015, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTHTL do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, ngành Y tế là thường trực và có các thành viên là các lãnh đạo sở, ban ngành để chủ động triển khai công tác này trên địa bàn toàn tỉnh.
Thuốc lá có hại cho sức khỏe. Ảnh: Internet |
Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thực hiện Luật PCTHTL như: các đơn vị y tế ký cam kết không có thầy thuốc hút thuốc trong cơ sở y tế; truyền thông cho bệnh nhân và người nhà thực hiện nghiêm việc không hút thuốc trong khuôn viên phòng khám và khu vực điều trị. Ngành Y tế còn phối hợp với ngành GD-ĐT triển khai truyền thông PCTHTL trong trường học và các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế), từ năm 2015 đến nay, ngành Y tế đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho người dân hiểu biết về tác hại của thuốc lá, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và cộng đồng dân tộc thiểu số có thói quen hút thuốc... Hằng năm, Ban Chỉ đạo PCTHTL của tỉnh đã tổ chức mít-tinh nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 và phát động Tuần lễ không hút thuốc lá từ ngày 25 đến 31-5; kiểm tra giám sát việc bày bán và quảng cáo thuốc lá và các sản phẩm tương tự thuốc lá; xử lý nghiêm việc buôn lậu thuốc lá từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá đang gây ra hơn 40.000 ca tử vong sớm mỗi năm cho Việt Nam; Tổ chức Y tế thế giới ước tính thuốc lá sẽ gây ra 70.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam vào năm 2030 nếu như các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. |
Tuy nhiên, để Luật PCTHTL thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Nhiệm vụ trọng tâm là cần xã hội hóa công tác PCTHTL, đưa hoạt động này trở thành hoạt động liên ngành, huy động sự tham gia của các cấp ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Lồng ghép công tác truyền thông về PCTHTL vào các chương trình sức khỏe khác để nâng cao hiệu quả truyền thông; xây dựng và thực hiện các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, về lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và lối sống không thuốc lá, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình giáo dục và ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
Bên cạnh đó, đưa tiêu chí “không sử dụng thuốc lá ở cộng đồng” vào cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Đẩy mạnh tập huấn, nâng cao nhận thức về PCTHTL; tăng cường truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại tất cả các cửa hàng, hiệu tạp hóa và quán giải khát; hoàn thiện các quy định pháp luật về cấm toàn diện quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra chuyên ngành để thường xuyên theo dõi và giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, từng bước đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm trong PCTHTL, nhất là đối với các hành vi vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng, buôn lậu thuốc lá và các hành vi vi phạm khác theo quy định của Luật.
Ngoài ra, xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình cai nghiện thuốc lá; chú trọng công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá cho các đối tượng nghiện thuốc mong muốn cai nghiện. Kịp thời biểu dương, nhân rộng những đơn vị điển hình, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động truyền thông và thực hiện nghiêm túc việc triển khai luật PCTHTL…
Hoàng Đức
Ý kiến bạn đọc