Multimedia Đọc Báo in

Đề phòng đột quỵ trong mùa lạnh

16:07, 30/12/2019

Đột quỵ để lại di chứng nặng nề và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với người bệnh. Đặc biệt, vào mùa lạnh, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng cao bất thường, không chỉ các ca mới, những người có tiểu sử bị đột qụy, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn trong mùa này.

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Hậu quả do đột quỵ để lại rất trầm trọng. Người bệnh có thể bị liệt nửa người, mất khả năng giao tiếp, không còn khả năng kiểm soát tiểu tiện, thậm chí hôn mê sâu và tử vong… Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có gần 2.100 ca nhập viện điều trị vì đột quỵ; số bệnh nhân tăng cao đột biến trong mùa lạnh.

Như bệnh nhân Hồ Văn Trí (SN 1960, trú xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) trước khi bị đột quỵ cảm thấy chân có biểu hiện tê tê song do chủ quan ông vẫn đi làm rẫy bình thường. Đến khi bất ngờ khuỵu xuống, được đưa đi cấp cứu thì ông Trí mới biết mình bị đột quỵ và hậu quả là hiện nay ông không thể vận động được. Căn bệnh đột quỵ cũng khiến bà Nguyễn Thị Nương (SN 1968, trú huyện Krông Bông) phải sống suốt nửa năm qua trong tình trạng bị liệt nửa người, không kiểm soát được tiểu tiện. Bây giờ hằng ngày bà phải tập vật lý trị liệu tại bệnh viện, tăng cường vận động, chữa trị theo chỉ dẫn của bác sĩ với hy vọng sẽ sớm hồi phục như trước.

Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.  Ảnh: Đ.Thi
Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đ.Thi

Bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu, Trưởng khoa Lão khoa Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết, đột quỵ (còn gọi là bệnh tai biến mạch máu não) là bệnh có liên quan trực tiếp đến lưu lượng máu chảy qua não, bệnh đột quỵ được coi là nguyên nhân tử vong hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư và đứng hàng đầu về tàn phế ở người trưởng thành. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ đang ngày một gia tăng ở mức đáng lo ngại. Vào mùa đông, nguy cơ mắc bệnh cao hơn các thời điểm còn lại trong năm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, chẳng hạn khi từ trong nhà hoặc trong chăn ấm ra ngoài lạnh sẽ khiến cho cơ thể không kịp thích nghi, các mạch máu bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng nhanh và bị đột quỵ. Hậu quả của đột quỵ rất nguy hiểm, do đó, mỗi người cần thường xuyên theo dõi những biểu hiện của cơ thể, nhất là trong mùa lạnh.

Khi thấy bản thân xuất hiện các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, méo miệng, tê tay chân, không vận động được, lú lẫn tinh thần hoặc hôn mê… thì cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại như trước rất cao. “Thời gian vàng” để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là “thời gian kim cương”. Với đột quỵ, mỗi giây đều quý. Nếu người bệnh đột quỵ không được cấp cứu trong quãng “thời gian vàng” thì hậu quả phải chịu rất nặng nề, có thể liệt nửa người, hôn mê sâu, thậm chí tử vong.

Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Liễu, trời trở lạnh là yếu tố phức tạp tác động lên cơ thể và gây bệnh, đặc biệt với người bị bệnh tim mạch hoặc có sẵn các bệnh mãn tính sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ, nhất là người lớn tuổi thì càng gây hậu quả nặng nề hơn nữa. Những người từng có tiền sử bị đột quỵ cần phải lưu ý để tránh bệnh tái phát, uống các thuốc phòng ngừa và thường xuyên tái khám đều đặn.

Vào mùa đông, mọi người cần giữ cho cơ thể đủ ấm, tránh những đợt gió lạnh bất thường, không bước ra ngoài gió ngay khi thức dậy tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột... Ngoài ra, nên hạn chế rượu bia, ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch…

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.