Khó khăn trong phòng chống bệnh sốt rét cho nhóm dân di cư biến động
Thời gian gần đây, tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm thấp về tỷ lệ mắc, bệnh nhân sốt rét, số ký sinh trùng sốt rét và tử vong do sốt rét.
Tuy nhiên, trong năm 2018 tại một số địa phương ghi nhận báo cáo có số ca mắc tăng đột biến và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, dù tình hình sốt rét giảm nhưng vẫn đang đối mặt với một số thách thức mới như: Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; muỗi sốt rét kháng hóa chất; sốt rét do giao lưu biên giới, đặc biệt sốt rét trên nhóm dân di cư biến động mà ngành Y tế rất khó kiểm soát.
Các nhóm đối tượng chính có nguy cơ mắc sốt rét gồm: Các nhóm dân tộc thiểu số sống trong rừng hoặc gần rừng, những người có tập quán du canh (đốt nương làm rẫy); người dân và nông dân sống ở bìa rừng, gồm những người mới đến định cư; công nhân nông trường, thường là người lao động theo mùa vụ và là dân di cư; những người đi rừng trong khoảng thời gian ngắn như: lực lượng an ninh, người khai thác gỗ, thợ săn bắn, khách du lịch, người đi làm thuê và nhiều đối tượng khác; lực lượng bộ đội biên phòng giáp ranh biên giới và người đi trồng rừng.
Những nhóm đối tượng nguy cơ này có thể được phân biệt theo các mức độ và hình thức di chuyển khác nhau, cũng như tình trạng hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Có thể có sự chồng chéo khi phân loại, chẳng hạn những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số có thể là nông dân làm việc ở bìa rừng hoặc công nhân lâm trường. Đối với những nhóm đối tượng này, nguy cơ gia tăng sốt rét vẫn tiềm ẩn tại các vùng có sốt rét lưu hành và không lưu hành, do hoạt động đi rừng, ngủ rẫy dài ngày mà hệ thống y tế không thể tiếp cận được, không đủ khả năng phát hiện và quản lý bệnh nhân. Trong khi đó, mầm bệnh véc-tơ truyền bệnh vẫn tồn tại, vì vậy các biện pháp bảo vệ khó đảm bảo tuyệt đối để bảo vệ cho các cộng đồng dân cư này.
Cán bộ y tế tẩm màn bằng hóa chất để phòng chống bệnh sốt rét tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). |
Nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tập quán làm việc và ngủ tại nương rẫy trong suốt thời gian mùa vụ, một số ít thì vào rừng khai thác lâm thổ sản và săn bắn trái phép nên khả năng nhiễm bệnh rất cao. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ cho các đối tượng này hết sức khó khăn. Hiện nay, để khống chế véc-tơ truyền bệnh thì biện pháp phun hóa chất diệt muỗi và ngủ màn tẩm hóa chất là ưu tiên nhưng việc phun hóa chất chỉ thực hiện được ở nhà cố định trong làng/xóm.
Biện pháp tẩm màn hóa chất cũng chưa thực sự phù hợp vì diện tích chòi tạm bợ ở trong nương, rẫy quá nhỏ để có thể treo màn; hơn nữa, nhiều người dân vẫn có thói quen không ngủ màn. Biện pháp quản lý điều trị cũng rất khó thực hiện vì các nhà rẫy nằm rải rác khắp nơi trong nương, trong rừng sâu. Một thách thức nữa ở nhóm đối tượng này là có những người lành mang mầm bệnh, có ký sinh trùng sốt rét nhưng không có biểu hiện lâm sàng, là mối nguy cơ tiềm tàng và khả năng làm lây lan ra cộng đồng là rất cao.
Để công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp và đặc biệt cần có sự phối hợp liên ngành và vào cuộc của chính quyền các cấp trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, nhất là những người dân sống ở vùng có nguy cơ cao, các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, ở xa cơ sở y tế.
Cung cấp miễn phí màn võng tẩm hóa chất diệt muỗi mà các hóa chất này tồn lưu thời gian dài, phù hợp với người dân sống trong vùng có bệnh sốt rét lưu hành nặng và vừa, bao gồm cả dân di cư tự do, dân qua lại biên giới, người đi rừng, ngủ rẫy, hộ gia đình nghèo (đối với các vùng có bệnh sốt rét lưu hành nhẹ, tuyên truyền, vận động dân tự mua màn và xây dựng thói quen ngủ màn thường xuyên).
Tăng cường các biện pháp phát hiện bệnh sốt rét sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ liều lượng theo quy định, trong đó chú trọng việc phát triển và duy trì hoạt động có hiệu quả các điểm kính hiển vi tại xã, liên xã, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao lan truyền ký sinh trùng sốt rét kháng Artemisinin và dẫn xuất; củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ y tế xã và y tế thôn buôn nhằm tăng cường quản lý đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, phát hiện nhiễm ký sinh trùng sốt rét sau khi đi rừng, rẫy trở về để khống chế sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét. Phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và cam kết thực hiện đúng các dự án được tài trợ về phòng chống sốt rét đang thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Ths.Bs Hoàng Hải Phúc
(Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh)
Ý kiến bạn đọc