Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!”.
Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, nhiều hoạt động được tăng cường triển khai, như: Tổ chức hội nghị, hội thảo về xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; tổ chức gặp mặt những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV...
Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, chú trọng vào lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; lợi ích của việc tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương; sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Xét nghiệm HIV cho bệnh nhân tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến ngày 15-11-2018, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện thêm 23 trường hợp nhiễm HIV, nâng số tích lũy nhiễm HIV lên 2.216 trường hợp; so với cùng kỳ năm 2017, giảm 14 ca (23/37), số trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS tăng 11 ca (23/12). Trên địa bàn tỉnh hiện có 15/15 huyện, thị xã, thành phố, 162/184 xã, phường có người nhiễm HIV, số người nhiễm HIV còn sống 1.783 trường hợp, 74,5% bệnh nhân ở độ tuổi từ 20-39, trong đó nam giới chiếm 73,2%.
Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán về chăm sóc, điều trị. Hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại ưu tiên tập trung tại các huyện có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao; triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng, như: truyền thông thay đổi hành vi, điều trị Methadone. Về xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, bao gồm người có hành vi nguy cơ tự nguyện xét nghiệm. Tổ chức thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới: điều trị ARV không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng nhiễm HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm HIV ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tiếp tục truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững.
Hiện tại, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS để đủ điều kiện và ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm sẵn sàng chi trả các chi phí điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Các thủ tục đang ở giai đoạn hoàn thiện để sớm triển khai vào đầu năm 2019. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cũng tham mưu cho Sở Y tế về việc mở thêm điểm cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại huyện Ea H’leo để người nghiện có điều kiện tiếp cận dịch vụ này, góp phần tăng sự tuân thủ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, hạn chế người nghiện bỏ điều trị do cách trở địa lý.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc