Multimedia Đọc Báo in

Blouse trắng và "cuộc chiến" sinh - tử

08:02, 28/01/2019

Có “mắt thấy, tai nghe”mới cảm nhận hết bao vất vả, áp lực của các y, bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (HSTCCĐ), Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Mỗi phút, mỗi giây họ đều dốc sức cho “cuộc chiến” giành lại sự sống của người bệnh trong cơn hiểm nghèo.

Tự vượt qua áp lực     

Những ngày Tết Nguyên đán, trong khi nhiều khoa điều trị nội trú vắng bóng bệnh nhân thì Khoa HSTCCĐ lại đông đúc lạ thường. Mỗi lần cánh cửa khoa mở ra lại có một, hai chiếc băng ca được đẩy vào mang theo những người bệnh đang trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Bên trong phòng bệnh, hàng chục bệnh nhân nằm im lìm trên những chiếc giường hồi sức, cơ thể được nối với những loại máy móc khác nhau. Trong không gian tĩnh lặng, tiếng tít tít vang lên đều đặn từ các thiết bị y tế phản ánh tình trạng của người bệnh như nhắc nhở người thầy thuốc không được lơ là. 

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt (phía trong) hội chẩn cùng đồng nghiệp về phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt (phía trong) hội chẩn cùng đồng nghiệp về phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa HSTCCĐ cho biết: Khoa có tổng số 36 giường bệnh, nhưng ngày nào cũng quá tải từ 130-140%, thậm chí dịp lễ, Tết có thể lên đến 150%. Phần lớn bệnh nhân vào khoa đều ở trong tình trạng nguy kịch, sự sống chỉ tính bằng giây, bằng phút nên áp lực công việc của các y bác sĩ rất cao, đòi hỏi luôn phải có phán đoán nhanh, định hướng bệnh chính xác, xử lý kịp thời để cứu bệnh nhân trước ranh giới của sự sống và cái chết. Cũng chính vì làm việc trong môi trường đặc biệt, nên mỗi ca trực các bác sĩ không được phép chợp mắt nghỉ ngơi, dẫu chỉ là một chút vì phải theo dõi iên tục diễn biến của bệnh nhân và sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không những thế, ngay cả khi các y bác sĩ ra trực buổi sáng nếu đúng lúc có bệnh nhân vào cấp cứu vẫn tiếp tục “chiến đấu” giành giật sự sống cho người bệnh dù có phải kéo dài thời gian tan ca thêm vài tiếng hay nửa ngày.

 
“Đã theo nghề y thì chúng tôi cũng xác định không có nghỉ lễ, Tết, bởi đó là lúc y bác sĩ phải tăng cường trực gác 24/24 giờ để lo sức khỏe cho mọi người”.
 
Thạc sĩ, bác sĩ TRỊNH HỒNG NHỰT, Trưởng Khoa HSTCCĐ cho biết

Không chỉ thường xuyên phải đối diện với áp lực công việc nặng nề, đôi khi các y bác sĩ Khoa HSTCCĐ còn phải đối diện với cả áp lực từ phía gia đình người bệnh. Điều dưỡng trưởng Hồ Sỹ Phú chia sẻ: “12 năm công tác tại khoa, tôi đã quá quen với sự nôn nóng của người nhà bệnh nhân, đôi khi còn đe dọa bác sĩ, điều dưỡng bằng những lời lẽ nặng nề. Đáng nhớ nhất là tình huống cách đây khoảng 5 năm, trong lúc ê kíp chúng tôi đang cấp cứu một ca tai biến, bệnh nhân ở trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở thì phát hiện phía sau có ánh sáng lạ, quay lại thì thấy thân nhân người bệnh đang vung dao uy hiếp. Trong tình huống cấp bách ấy, mặc cho họ chửi bới, đe dọa, chúng tôi chỉ im lặng chịu đựng, tập trung cấp cứu người bệnh. May mắn là sau đó bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Nói chung, đã làm việc tại đây thì chúng tôi phải học cách vượt qua áp lực của những giờ phút cùng bệnh nhân chông chênh bên bờ sinh tử”.

Âm thầm cống hiến

Gặp thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt khi anh vừa tham gia cấp cứu cho một bệnh nhân vào viện trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, anh kể: Chúng tôi vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng. Khi vào viện bệnh nhân ở trong tình trạng suy thận, suy tuần hoàn, rối loạn đông máu… tiên lượng tử vong cao. May mà chúng tôi đã cứu sống được.

Bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung thăm khám cho người bệnh.
Bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung thăm khám cho người bệnh.

Gần 20 năm công tác tại Khoa HSTCCĐ cũng là chừng ấy năm thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt đón Giao thừa tại bệnh viện. Đảm nhận “ghế nóng” trưởng khoa, việc phải chạy vào bệnh viện giữa đêm hôm khuya khoắt để hội chẩn với bác sĩ Nhựt là chuyện rất đỗi thường tình. Anh bộc bạch: Ngay cả thời khắc Giao thừa thiêng liêng thì cũng hiếm khi gia đình y bác sĩ chúng tôi có được cuộc sum vầy đông đủ. Nhưng rồi, những thiệt thòi, phiền muộn ấy cũng nhanh chóng bị lãng quên khi chúng tôi thấy người bệnh hồi phục trở về với gia đình. Cảm giác ấy với người thầy thuốc hạnh phúc lắm!

Còn với bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung, hơn chục năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, chị đã quen chạy đua với thời gian, với các ca cấp cứu để giành giật sự sống cho người bệnh. Chị tâm sự: Trước những thiệt thòi và áp lực công việc, nếu không có tâm huyết, yêu thương người bệnh và không có sự nhẫn nại, chịu đựng thì người thầy thuốc khó mà bám trụ ở đây.

Có lẽ, tận mắt chứng kiến hình ảnh các điều dưỡng luôn chân luôn tay chăm sóc toàn diện cho từng người bệnh từ bữa ăn, bữa thuốc đúng giờ đến vệ sinh thân thể, rồi xoay trở, vỗ lưng để chống lở loét, trong khi bữa ăn của chính mình lại thất thường, qua loa càng cảm nhận rõ hơn công việc của những con người ở phía sau cánh cửa Khoa HSTCCĐ. Họ làm việc bằng tất cả chữ tâm, chữ tình của người thầy thuốc mà chẳng một chút bận tâm mình sẽ nhận được gì.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.