Gia tăng số trẻ mắc bệnh đường hô hấp trong mùa lạnh
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và tấn công con người, nhất là trẻ em bởi hệ thống miễn dịch cơ thể trẻ còn yếu nên khi trời chuyển lạnh, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… Nếu không được chữa trị kịp thời, vi khuẩn có thể đi vào máu khiến trẻ bị nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm màng não…
Mùa lạnh, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên trẻ em dễ mắc bệnh, đặc biệt là dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng 3 - 4 lần/năm, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột. Triệu chứng ban đầu là trẻ thường bị ho, sốt, nghẹt mũi một hoặc hai bên, có thể có sốt cao (39 - 40 độ C), quấy khóc, bỏ ăn. Nếu trẻ sốt (từ 38 - 38,5 độ C), cha mẹ cần lau cho con bằng nước ấm, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và cho uống hạ sốt (paracetamol). Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao ngày thứ ba liên tục mà không có dấu hiệu thuyên giảm, phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện khám để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Trẻ bị viêm đường hô hấp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo bác sĩ Cao Hoàng Phong, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, vào mùa lạnh, số ca bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp tăng lên rõ rệt. Nhiều trường hợp khi con ho, sổ mũi, thở khò khè… nhưng cha mẹ chủ quan, tự điều trị tại nhà không đúng cách dẫn đến trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa. Thông thường, nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp ở trẻ là do thay đổi thời tiết, môi trường sống đột ngột khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi và dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể là do virus, vi khuẩn tấn công vào hệ miễn dịch của trẻ. Do đó, ngoài việc quan tâm đến cách điều trị thì việc tìm hiểu cách phòng bệnh đường hô hấp ở trẻ thời điểm giao mùa cũng rất quan trọng.
Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, các bậc phụ huynh nên chú ý giữ ấm cho trẻ, nhất là giữ ấm ngực. Tuy nhiên, không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo bởi sẽ khiến trẻ dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh. Tránh cho trẻ tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý… Khi trẻ có những dấu hiệu như ho, sổ mũi, thở khò khè, thở gấp, sốt cao… thì nên cho trẻ tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, điều trị sớm.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc