Multimedia Đọc Báo in

Phạt 82,5 triệu đồng đối với cơ sở bán bánh mì gây ngộ độc thực phẩm

22:33, 23/01/2019

Bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, mới đây UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở bán bánh mì nhiễm vi khuẩn Salmonella khiến hơn 200 người bị ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, cơ sở bánh mì "cô Dung" tại khu vực ngã tư đường Phan Chu Trinh – Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột (do bà Trần Thị Kim Dung, ở 30 Hoàng Diệu, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bị xử phạt hành chính số tiền 82,5 triệu đồng bởi các hành vi vi phạm, gồm: thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; sử dụng người trực tiếp chế biến thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang; sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng, tiếp xúc với thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; chế biến, cung cấp thực phẩm không đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm trong 3 tháng và buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, Báo Đắk Lắk đã thông tin Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh ghi nhận 215 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì "cô Dung". Kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân và 28 mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở kinh doanh, ngành chức năng phát hiện mẫu bệnh phẩm của người bệnh và 5 loại thực phẩm (thịt heo, giò chả, nước sốt, hành phi, bơ do cơ sở tự sản xuất) đều nhiễm vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.