Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2):

Khi bác sĩ "lấn sân" công nghệ thông tin

20:43, 26/02/2019

Với nỗ lực của nhóm bác sĩ, sản phẩm Phần mềm quản lý y tế đa tuyến, đa ngành (MMS.Net) đã vượt qua hơn 600 sản phẩm dự thi của hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để giành Huy chương Vàng tại Triển lãm Quốc tế về Khoa học và Công nghệ (SIIF 2018) diễn ra ở Hàn Quốc. Song, điều đáng nói hơn cả là sản phẩm này còn giúp ngành Y tế sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và người dân ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở.

Ý tưởng bắt nguồn từ thực tiễn

Xuất phát từ thực tiễn hệ thống y tế cơ sở cần có một công cụ để giúp cho cán bộ y tế thực hiện chức năng khám chữa bệnh cũng như quản lý, đặc biệt là để người dân có thể tiếp cận với dịch vụ y tế trong thời gian nhanh nhất, Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cùng các cộng sự đã lên ý tưởng nghiên cứu xây dựng sản phẩm phần mềm tích hợp có nhiều chức năng hỗ trợ cho cơ quan quản lý và người dùng tận dụng được hạ tầng cơ sở vật chất sẵn có trên nhiều nền tảng khác nhau nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, nguồn lực lao động. Tháng 4-2014, Sở Y tế đã đề xuất nhiệm vụ "Ứng dụng CNTT Xây dựng phần mềm quản lý y tế xã - MMS.Net" nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết đặt ra tại tuyến y tế cơ sở và được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt thực hiện.

Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long trao đổi cùng các cộng sự về giải pháp phát triển phần mềm MMS.Net trong thời gian tới. Ảnh: K.Oanh
Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long trao đổi cùng các cộng sự về giải pháp phát triển phần mềm MMS.Net trong thời gian tới. Ảnh: K.Oanh

Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, “cha đẻ” của phần mềm MMS.Net chia sẻ: “Khi chưa có một phần mềm thống nhất, tại tuyến xã tất cả hồ sơ bệnh án khám chữa bệnh, quản lý dược phẩm, chỉ định, đơn thuốc, sổ thuốc, sổ khám bệnh, tiêm chủng… đều phải làm thủ công. Khổ nhất là 12 cuốn sổ ghi chép về nghiệp vụ hàng ngày, cán bộ y tế xã phải ngồi tra cứu, chép lại toàn bộ số liệu trong tháng, sau đó cộng lại, phân loại ra 10 báo cáo y tế để nộp về Trung tâm Y tế huyện. Rồi tại Trung tâm, cán bộ phải nhập vào Excel số liệu, cộng lại thành báo cáo của huyện để nộp lên Sở Y tế. Chưa nói đến độ chính xác của dữ liệu, việc sửa đi sửa lại báo cáo khiến cán bộ y tế mất rất nhiều thời gian. Để thay đổi những tồn tại ấy, chúng tôi bắt tay viết MMS.Net”.

“Trái ngọt” đầu mùa

Trải qua hơn 4 năm thử nghiệm, nâng cấp và vận hành chính thức, phần mềm MMS.Net đã trở thành một phần mềm hoàn thiện với phiên bản Đa tuyến - đa nền tảng có khả năng đáp ứng được hầu hết các tiêu chí từ kỹ thuật đến quản lý, vận hành hệ thống. Hiện tại MMS.Net phiên bản dành cho Trạm Y tế đã chính thức được chuyển giao đến 184 Trạm Y tế và 15 Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh.

Chị Hà Thị Dung, nhân viên Trạm Y tế phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra số lượng thuốc và hạn dùng trên ứng dụng của phần mềm MMS.Net. Ảnh: K.Oanh
Chị Hà Thị Dung, nhân viên Trạm Y tế phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra số lượng thuốc và hạn dùng trên ứng dụng của phần mềm MMS.Net. Ảnh: K.Oanh

Tại Trạm Y tế phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, việc ứng dụng phần mềm MMS.Net đồng bộ hoạt động báo cáo thống kê y tế, kết nối liên thông dữ liệu thanh toán BHYT, quản lý thuốc, quản lý tiêm chủng đã giúp cán bộ và nhân viên của trạm tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi thực hiện chức trách của mình. Chị Hà Thị Dung, cán bộ phụ trách công tác dược của trạm cho biết: “Trước đây, với cách làm thủ công, mỗi lần cần thống kê báo cáo tôi phải tính toán mất cả 5-6 ngày mới làm xong. Còn hiện tại, dựa trên ứng dụng có sẵn tôi chỉ cần khoảng 30 phút đến 1 tiếng đã có thể hoàn thành báo cáo tháng. Hay như trong công tác quản lý dược, trước đây muốn biết trong kho còn thuốc nào, hạn sử dụng ra sao, tôi phải tìm kiếm thủ công trên từng loại thuốc. Bây giờ, ứng dụng phần mềm, tôi chỉ cần nhập dữ liệu đầu vào chính xác, sau đó với một thao tác đơn giản tôi đã có thể kiểm tra được số lượng cũng như hạn sử dụng từng loại thuốc”.

Cán bộ Trạm Y tế phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra thông tin tiêm chủng của trẻ trên ứng dụng phần mềm MMS.Net. Ảnh: K.Oanh
Cán bộ Trạm Y tế phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra thông tin tiêm chủng của trẻ trên ứng dụng phần mềm MMS.Net. Ảnh: K.Oanh

Trạm Y tế phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột ứng dụng phần mềm MMS.Net vào hoạt động từ năm 2016. Theo bác sĩ Đỗ Minh Hải, Phó Trưởng trạm, phần mềm này đã giúp trạm “giải phóng” lao động thủ công trong việc thống kê báo cáo cũng như quản lý các hoạt động. Đặc biệt, việc quản lý các đối tượng tiêm chủng được tự động hóa đã giúp khắc phục tình trạng ùn ứ, chờ đợi trong các buổi tiêm chủng hằng tuần tại trạm .

Không dừng lại ở thành công bước đầu, sau khi đề tài được nghiệm thu, nhóm tác giả cùng các cơ quan chủ trì đề tài đã tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm, hoàn thiện các module, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu quản lý của cơ sở khám chữa bệnh và phát triển ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, nâng cao tính tiện ích và chất lượng sản phẩm. Đến nay MMS.Net đã phát triển tích hợp hoàn thiện các phiên bản: MMS-TYT.NET (dùng cho trạm y tế); MMS-HPS.NET (dùng cho bệnh viện tuyến huyện); MMS.NET-HL7-MULTI-PAT (Phiên bản tích hợp theo hướng kết nối thành một hệ sinh thái y tế, có khả năng đáp ứng đa tuyến, đa nền tảng. Đồng thời mở rộng tích hợp giúp điều dưỡng, y tá có thể cập nhật thông tin chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại giường bệnh, bác sĩ có thể duyệt lại y lệnh và phiếu lĩnh thuốc thông qua giao diện điện thoại, máy tính bảng).

Đại diện nhóm tác giả được vinh danh tại Triển lãm SIIF 2018. (Ảnh tư liệu)
Đại diện nhóm tác giả được vinh danh tại Triển lãm SIIF 2018. (Ảnh tư liệu)

Với các tính năng của một hệ sinh thái y tế thông minh, phần mềm MMS.Net không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành Y tế mà còn đạt được nhiều giải thưởng ở cả trong nước và quốc tế như: giải Ba trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (không có giải nhất và giải nhì); giải Khuyến khích “Y tế thông minh”; được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng Giải thưởng Sao Khuê và mới đây nhất là đoạt Huy chương Vàng tại Triển lãm SIIF 2018.

Phần mềm MMS.Net hiện đã được triển khai tại hơn 300 cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam với chi phí thấp hơn khoảng 30% so với các giải pháp thương mại khác. Đối với lĩnh vực quản lý y tế tuyến cơ sở, nếu sử dụng phần mềm MMS.Net ước tính mỗi tỉnh, thành tiết kiệm được khoảng 22 tỷ đồng mỗi năm.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.