Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nguy cơ bùng phát bệnh sởi

08:40, 20/02/2019

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn thôn 7, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện nhiều ca bệnh nghi mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em từ 1-5 tuổi.

Cô Tống Thị Huyền Trâm, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cư Êbur cho biết, phân hiệu tại thôn 7 của trường hiện có 3 lớp với 80 trẻ. Từ trước Tết Nguyên đán đã có 26 cháu thuộc lớp chồi, độ tuổi từ 4-5 tuổi nghỉ học do nghi mắc sởi. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên các lớp tuyên truyền nhắc nhở phụ huynh nên đưa trẻ đến trung tâm y tế, bệnh viện để được theo dõi, chữa trị và kịp thời cách ly để tránh lây lan. Bên cạnh đó, trường cũng đã báo cáo nhanh tình trạng trên với Trạm Y tế xã để có biện pháp ngăn ngừa và tiến hành tiêm phòng sởi bổ sung cho tất cả trẻ em đang theo học tại trường.

Tại thôn 7, sau khi nhận được khuyến cáo dịch sởi bùng phát, phát hiện nhiều ca nghi mắc sởi, nhiều bậc phụ huynh đã nhanh chóng cho con tiêm phòng. Chị H’Rức Ênuôl ở thôn 7 cho hay, con trai chị, bé Y Ben Ênuôl đã được 1 tuổi nhưng vẫn chưa tiêm phòng sởi, dù trong chương trình tiêm chủng mở rộng trẻ sẽ được tiêm miễn phí vắc xin phòng sởi mũi 1 khi 9 tháng tuổi và tiêm vắc xin phối hợp sởi – rubella khi 18 tháng tuổi. Chỉ đến khi hay tin trong thôn có nhiều trẻ sốt cao, phải nhập viện nghi do mắc sởi chị mới gác mọi công việc đưa con đi tiêm phòng.

Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella cho trẻ em thôn 7, xã Cư Êbur.
Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella cho trẻ em thôn 7, xã Cư Êbur.

Theo bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 67 ca nghi mắc bệnh sởi, riêng thôn 7 xã Cư Êbur có 49 ca, tập trung chủ yếu ở trẻ từ 1-5 tuổi. Ngay sau khi nghe thông tin bệnh sởi xuất hiện, Trung tâm Y tế thành phố, Bệnh viện thành phố đã tiến hành lấy bệnh phẩm những ca nghi ngờ bệnh sởi để xét nghiệm. Trung tâm cũng đã thành lập các đoàn công tác phòng chống dịch tổ chức phun thuốc diệt khuẩn, vệ sinh môi trường; tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân, đồng thời rà soát toàn bộ trẻ em từ 1-15 tuổi tại những nơi xuất hiện nhiều ca nghi mắc sởi để triển khai tiêm vắc xin. Riêng tại thôn 7, xã Cư Êbur, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi – rubella bổ sung cho 600 trẻ.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, để phòng ngừa bệnh sởi lây lan, trẻ mắc bệnh cần được cách ly tránh lây truyền bệnh sang các đối tượng khác. Các bậc phụ huynh cần tiêm vắc xin sởi mũi 1 khi 9 tháng tuổi và tiêm vắc xin phối hợp sởi – rubella khi 18 tháng tuổi cho trẻ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella cho trẻ em thôn 7, xã Cư Êbur.
Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella cho trẻ em thôn 7, xã Cư Êbur.

Bác sĩ Võ Minh Hùng cho biết thêm, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình về cách phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh sởi nói riêng. Hiện Trung tâm cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ công tác tiêm chủng mở rộng tại 21 xã phường trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện kế hoạch tiêm chủng đạt được hiệu quả tốt nhất.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.