Multimedia Đọc Báo in

Cần chú ý để phát hiện sớm bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo

09:47, 18/03/2019

Ngứa da, nổi mề đay dị ứng, mệt mỏi, kém ăn, đau đầu… là những triệu chứng lâm sàng khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo. Tuy nhiên, những biểu hiện này không điển hình, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác nên nhiều bệnh nhân thường điều trị không đúng bệnh.

Như trường hợp chị Trần Thị Thu (39 tuổi, ở xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) là một ví dụ. Cách đây hơn 1 năm, chị Thu bị mẩn ngứa khắp người và thường xuyên bị đau đầu. Khám và điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và Trung tâm Da liễu tỉnh, chị đều được chẩn đoán là viêm da cơ địa, rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, sau nhiều đợt điều trị, tình trạng mẩn ngứa vẫn không thuyên giảm. Đến khám ở Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn và làm các xét nghiệm máu, chị bất ngờ khi được phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo. Chị cho biết: “Nhà tôi không nuôi chó và cũng không tiếp xúc với chó nhưng lại không hiểu tại sao lại nhiễm giun đũa chó. Cũng may phát hiện bệnh sớm nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm nếu cứ để thời gian mắc bệnh kéo dài”. Hay như trường hợp của anh Trần Đình Trọng (45 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, thấy xuất hiện vết bầm tím dưới da, thỉnh thoảng có biểu hiện ngứa toàn thân, anh đi khám thì được chẩn đoán bị xuất huyết ngoài da. Uống thuốc 10 ngày bệnh vẫn không khỏi. Sau đó, được các bác sĩ tư vấn, anh đến xét nghiệm tại Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn thì mới phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó. Anh Trọng cho hay: “Sau một tuần điều trị, tối thấy tình trạng ngứa đã giảm, các vết bầm có dấu hiệu nhạt dần, ăn ngủ tốt hơn”.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tâm, Trưởng khoa xét nghiệm Ký sinh trùng, Trung tâm Phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Đắk Lắk cho biết, triệu chứng khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo không điển hình và cũng rất đa dạng: người thì xuất hiện các nốt bầm tím dưới da, có người nổi mẩn đỏ và ngứa dữ dội, có người chỉ ngứa thoáng qua, đau bụng… Bệnh giun đũa chó khó phát hiện và chẩn đoán đúng nếu chỉ khám bệnh đơn thuần. Để biết có nhiễm ấu trùng giun đũa chó hay không, người bệnh phải được làm xét nghiệm Eliza máu thì mới có thể phát hiện được. Và khi phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo, người bệnh phải được điều trị đúng, đủ liều và phải đúng chuyên khoa thì bệnh mới khỏi.

Bác sĩ Tâm cũng cho biết thêm, giun đũa chó trưởng thành sống trong ruột non của chó. Trứng giun theo phân thải ra đất, chuyển thành ấu trùng và phát tán ra môi trường rồi nhiễm vào nước uống, thức ăn. Nếu ăn phải thức ăn có chứa ấu trùng giun, nhất là khi ăn rau sống, con người sẽ dễ nhiễm bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo nhất do hay tiếp xúc với đất, hay ngậm, liếm đồ chơi, mút tay, bồng bế chó, mèo…

Nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo là một bệnh rất nguy hiểm. Do người không phải là vật chủ chính nên ấu trùng giun đũa chó, mèo không phát triển thành giun mà theo máu di chuyển tới các bộ phận trong cơ thể và có thể ký sinh tại bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, như: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt, khớp. Và khi ấu trùng ký sinh ở bộ phận nào, chúng sẽ gây tổn thương cho bộ phận đó. Ngoài gây ngứa, nổi ban trên da, khi ấu trùng ký sinh ở mắt, người bệnh có dấu hiệu mắt mờ, khám thường thấy viêm màng bồ đào hay viêm kết mạc sung huyết đỏ kèm ngứa; nếu ấu trùng ký sinh ở nội tạng, như: gan, phổi thì gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở. Ngoài ra, ấu trùng giun đũa chó, mèo cũng có thể ký sinh đến não và làm tổ gây nhức đầu, nôn ói, yếu nửa người, liệt, co giật, chóng mặt, động kinh viêm não, màng não, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện các triệu chứng như: nổi ban, mẩn ngứa vài ngày không tìm thấy nguyên nhân, kèm theo sốt nhẹ hay đau mỏi, tê bì chân tay, động kinh, co giật, hay viêm dây thần kinh thị giác hoặc ở thần kinh ngoại biên…, người bệnh cần đi làm xét nghiệm Eliza máu để phát hiện xem có nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo hay không.

Để phòng nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, bác sĩ Tâm lưu ý: nhiều người dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng vẫn nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo do ăn phải thực phẩm chứa ấu trùng từ phóng uế của chó, mèo phát tán ra môi trường. Vì vậy, cần ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn rau sống, rửa tay thật sạch trước khi ăn. Các gia đình nuôi chó mèo nên tẩy giun sán định kỳ 6 tháng 1 lần; không thả rông chó, mèo và có biện pháp xử lý chất thải của chó, mèo một cách hợp lý, tránh để trở thành nguồn phát tán bệnh ra cộng đồng. Đặc biệt, không cho trẻ em tiếp xúc với đất cát, đùa nghịch, ôm hôn chó, mèo.

Trước đây, mỗi khi có nhu cầu xét nghiệm các loại ký sinh trùng nguy hiểm ở người, người dân trên địa bàn tỉnh phải đến TP.Hồ Chí Minh hoặc Quy Nhơn mới có thể thực hiện được. Hiện nay, người dân không cần phải đi xa để làm các xét nghiệm này mà có thể đến Trung tâm Chẩn đoán kỹ thuật cao thuộc Phòng khám chuyên khoa Ký sinh trùng thuộc Bệnh viện Đại học Tây Nguyên tại số 567 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột.  

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.