Multimedia Đọc Báo in

Nhận biết và phòng bệnh mòn cổ răng

12:12, 29/03/2019

Không chỉ khiến răng bị ê buốt, ố vàng, nhạy cảm khi tiếp xúc với nhiệt độ thức ăn, bệnh mòn cổ răng còn khiến răng bị mất thẩm mỹ, gây ra những phiền toái khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, cần hiểu đúng về bệnh mòn cổ răng để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Mòn cổ răng là tình trạng ở mặt ngoài răng, sát viền lợi có một rãnh sâu, lõm vào hình chữ V, thường gặp ở những chiếc răng hàm nhỏ, răng nanh và răng cửa. Đối tượng mắc bệnh thường là những người lớn tuổi. Ban đầu, dấu hiệu của mòn cổ răng chỉ có một rãnh nhỏ dưới gần chân răng nên ít người để ý. Đến khi phải nhờ đến nha sĩ can thiệp thì tình trạng bệnh đã trở nặng, răng ê buốt khi ăn các thức ăn nóng, lạnh, chua, khi đánh răng hoặc sử dụng nước súc miệng. Trong trường hợp răng bị mòn sâu có thể gây viêm tủy, viêm xung quanh chóp răng, nặng hơn có thể gãy ngang thân răng. Như trường hợp của bà Lý Thị Nha (58 tuổi, ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cách đây vài tháng thường bị ê buốt răng mỗi khi ăn thức ăn hơi nóng, phải ngưng ăn một lát thì tình trạng này mới giảm dần. Dần dần mỗi khi ăn hay súc miệng, răng bà đều bị ê buốt, thậm chí nhức và rất đau. Khi bà đến bác sĩ kiểm tra thì phát hiện một số răng cửa trên và dưới bị mòn cổ sâu vào bên trong, bác sĩ phải trám lại những chiếc răng bị mòn.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra tình trạng răng cho một bệnh nhân bị ê buốt răng kéo dài.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra tình trạng răng cho một bệnh nhân bị ê buốt răng kéo dài.

Theo các bác sĩ nha khoa, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mòn cổ răng, nhưng những người có chế độ chăm sóc răng miệng không tốt thường có nguy cơ bị mòn cổ răng cao hơn. Cụ thể là vôi răng sẽ tích tụ lâu ngày, không được loại bỏ sẽ đè lên nướu, làm chân răng bị lộ ra. Việc chải răng không đúng cách, thao tác chải theo chiều ngang, lực chải mạnh và sử dụng bàn chải lông cứng chải miết trên thân răng và phần cổ răng quá nhiều - nơi có độ chịu lực và chịu mòn thấp, lâu ngày phần men răng và ngà răng sẽ lộ dần khiến răng ê buốt và xuất hiện các rãnh nhỏ ngang thân. Ngoài ra, những người hay ăn thức ăn chua hoặc thực phẩm có chứa nhiều axít mà không súc miệng sau khi ăn thì chất axit trong khoang miệng sẽ làm mòn lớp men răng bên ngoài khiến phần ngà bị lộ hoặc nghiêm trọng hơn có thể tấn công đến các mô răng khỏe mạnh ở phần ngà, làm cho các tổ chức răng bị phá vỡ gây nên tình trạng ê buốt kéo dài. Bên cạnh đó, những người mắc một số bệnh lý, như: viêm nha chu cũng có thể khiến răng bị mòn theo thời gian.

Việc điều trị mòn cổ răng phụ thuộc nhiều vào yếu tố nặng, nhẹ, tuổi tác. Nếu tình trạng mòn cổ răng nhẹ, các bác sĩ nha khoa sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng bàn chải và chải răng đúng cách không gây sang chấn cơ học. Khi có tổn thương mất mô cứng của men răng thì sẽ được tiến hành trám, chất trám phổ biến nhất hiện nay là composite vì có tính thẩm mỹ cao. Chất composite sẽ ngăn ngừa không cho vi khuẩn tấn công, đồng thời gia cố cho chân răng được vững chắc. Trường hợp mòn cổ răng nhiều, va chạm với tủy răng thì phải tiến hành lấy tủy bọc răng sứ nhằm bảo tồn chân răng, vừa mang tính thẩm mỹ mà sức nhai cũng khá hơn rất nhiều. Có nhiều trường hợp mòn cổ răng nằm ở dưới lợi nên bệnh nhân không biết hoặc không để ý. Đến khi ăn vật cứng khiến răng bị vỡ hoặc gãy thân răng làm cho bệnh nhân đau nhiều, nha sĩ kiểm tra thì tình trạng mòn răng đã tới tủy răng. Lúc này việc điều trị chủ yếu là viêm tủy răng, sau đó mới hàn phục hồi phần mòn.

Các bác sĩ lưu ý: mòn cổ răng nếu không có những can thiệp sớm thì sẽ gây hậu quả mất phần mô cứng của răng, gây ê buốt, gây hở tủy răng, làm viêm tủy và dần dần thân răng bị vỡ hoặc mất thân răng. Để phòng bệnh mòn cổ răng, cần chải răng đúng cách, không gây ra lực cơ học quá mạnh, chải răng ít nhất ngày hai lần để làm sạch bề mặt răng, kiểm soát tốt các mảng bám ở răng; nên sử dụng kem đánh răng có chứa flour; ngay sau khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chứa axit, cần súc miệng bằng nước lọc hoặc nước súc miệng có chứa flour; uống nhiều nước trong ngày, nhất là giữa các bữa ăn. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp dự phòng sâu răng vì sâu răng là một trong những yếu tố làm tăng tốc độ mất mô cứng của răng; xây dựng thói quen đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần; đặc biệt, khi có biểu hiện ê buốt cần đến chuyên khoa khám để có hướng xử lý can thiệp kịp thời.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc